Doanh nghiệp vận tải kêu khổ
Bất cập về quy định tải trọng giữa cầu và đường khiến nhiều xe tải bị phạt vì “quá tải”. Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM mới đây phải gửi văn bản cầu cứu đến nhiều bộ ngành Trung ương. Trong khi chưa được tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp vận tải phải “bỏ của chạy lấy người” vì tiền cước không đủ tiền đóng phạt.
Theo ông Lương Hoàng Trung, phó chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải huỷ hợp đồng, hoặc không dám nhận hợp đồng vận chuyển hàng về các tỉnh ĐBSCL vì những quy định về tải trọng vận chuyển hàng hoá qua cầu, đường.
Cụ thể, đường thì cắm biển báo tải trọng đường (được tính theo tải trọng trục là 10 tấn/trục), trong khi phần lớn các cầu lại cắm biển báo tải trọng cầu (tính theo tổng trọng tải xe). Do vậy, các xe chuyên dụng chở container khi chạy trên đường thì được phép nhưng khi qua cầu thì vi phạm, bị các lực lượng chức năng xử phạt.
Việc cắm biển báo cầu, đường bất nhất hiện nay khiến 80% xe chở container rơi vào tình thế phải vi phạm pháp luật. Quy định của cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ cho phép các loại xe chuyên dụng chở container tải trọng từ 19 – 23 tấn. Trong khi tiêu chuẩn chung của quốc tế quy định một container có thể chứa đến 32,77 tấn hàng.
Như vậy, nếu căn cứ biển báo tải trọng cầu hiện nay đa số từ 18 – 25 tấn (thậm chí có cây cầu 16 tấn như cầu trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Bình Minh đi Cần Thơ) và các quy định hiện nay của cục Đăng kiểm Việt Nam thì có khi chỉ xác xe không đi qua cầu cũng bị phạt quá tải.
Một doanh nghiệp vận tải ở quận 1 TP.HCM bức xúc: “Khi xe quá tải thì buộc phải hạ tại ngay phần quá tải. Nhưng điều này là bất khả thi đối với nhà xe. Bởi, hàng hoá chở trong container đã được niêm phong, kẹp chì. Muốn mở ra phải được sự đồng ý của hải quan và chủ hàng. Nhà vận tải hoàn toàn không có quyền hạ tải giữa đường”. Đó là chưa kể do đặc tính lý hoá khác nhau của nhiều loại hàng hoá, nếu xếp dỡ xuống mà không có điều kiện bảo quản sẽ hư hỏng và hoàn toàn mất giá trị…