Doanh nghiệp Việt trên đất Lào: Mạnh ai nấy sống
Ông Nguyễn Minh Tú, Phó chủ tịch Hội Phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam- Lào- Campuchia nhận định, thương nhân Việt buôn bán độc lập tốt nhưng kinh doanh cộng đồng lại thiếu đoàn kết thậm chí triệt tiêu sức mạnh của nhau.
Theo số liệu thống kê công bố tại Hội thảo tăng cường hợp tác đầu tư - kinh doanh Việt Lào chiều ngày 17/7, Việt Nam có 157 dự án đầu tư sang Lào được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký khoảng 812 triệu USD, trở thành một trong những nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp tại Lào. Trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2008 đạt gần 430 triệu USD tăng khoảng 36% so với 2007.
Đối thủ "nặng ký" cạnh tranh với các thương nhân Việt Nam tại Lào là Thái Lan và Trung Quốc. Nhiều người dân Lào biết tiếng Thái và có thói quen tiêu đồng baht của Thái. Bên cạnh đó, hàng hóa Trung Quốc bán tràn lan tại thị trường Lào với giá rất thấp.
Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên đất Lào phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của từng công ty và tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng các doanh nghiệp. Lào có nhiều ưu thế như tiềm năng thủy điện lớn, tài nguyên khoáng sản, phát triển du lịch tuy nhiên doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được lợi thế này.
Nguyên nhân cơ bản khiến ưu thế của các thương nhân Việt đang bị lung lay là doanh nhân Việt thiếu đoàn kết, mạnh ai nấy sống. Ông Bun-mi Pắp-phạ-vông, đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư Lào cho hay, dù đầu tư của Việt Nam tại Lào phát triển nhanh và từng bước đạt được hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp có mâu thuẫn nội bộ tranh chấp dự án làm ảnh hưởng và làm mất uy tín đến nhiều doanh nghiệp khác
Ngoài ra, yếu tố nhân lực của Việt Nam cũng còn rất hạn chế. Người lao động có trình độ chuyên môn chưa cao và khả năng quản lý yếu kém cũng là rào cản không nhỏ. Một giám đốc công ty cho hay, thủ tục xuất nhập cảnh giữa hai nước phức tạp kèm theo đội ngũ nhân công tay nghề kém làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp rất nhiều. Theo vị giám đốc này, mỗi năm công ty ông tuyển 2.000 lượt thì cuối năm chỉ còn 130 lao động có khả năng trụ lại.
Trong khi đó, Trung Quốc có nhiều thế mạnh đội ngũ nhân công tương đối lành nghề, trình độ quản lý, cách điều hành hiệu quả. Hàng hóa Việt Nam có thế mạnh trong hợp tác công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông, khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mới chỉ chú trọng đến việc bán hàng, chưa quan tâm đến văn hóa kinh doanh cũng như thói quen mua bán của người Lào.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt phải xác định rõ đối thủ cạnh tranh để đề ra chiến lược rõ ràng. "Lào đã thông qua luật đầu tư nước ngoài cởi mở cho các đối tác. Việt Nam cần tranh thủ cơ hội để khai thác thủy năng và phát triển du lịch", ông Thiên nói.