Đón dòng vốn đầu tư từ Đức

Đón dòng vốn đầu tư từ Đức

 Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng đầu tư của các DN Đức tại Việt Nam đã tăng lên rõ rệt kể từ năm 2011. Nếu trong 10 tháng đầu năm 2011, các DN Đức chỉ đăng ký đầu tư vào 7 dự án, với tổng vốn đầu tư là 34 triệu USD, thì các con số đã tăng lần lượt lên 18 dự án và 90 triệu USD trong cùng thời điểm năm 2013. Và 10 tháng đầu năm nay, các con số tương ứng là 21 dự án và 142 triệu USD.

Lũy kế đến hết tháng 10/2014, Đức có 239 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,336 tỷ USD, đứng thứ 22 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Trong chuyến thăm Đức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đức nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực mà hai bên đều có lợi thế và nhu cầu, bao gồm năng lượng, công nghệ xanh, công nghiệp, giao thông công cộng, tài chính, ngân hàng, hàng tiêu dùng và các sản phẩm nông sản, thủy sản.

“Chúng tôi hoan nghênh luồng vốn đầu tư từ Đức, với nhiều dự án đầu tư có chất lượng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty danh tiếng của Đức như Siemens, Mercedes-Benz, B.Braun, Allianz, Bosch”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong một bài phát biểu tại Đức.

Ông Heinrich Hiesinger, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn ThyssenKrupp AG cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tăng nhanh trên nhiều lĩnh vực và sự ổn định về chính trị đang thu hút nhiều tập đoàn Đức như ThyssenKrupp... tới Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6,2% trong năm 2015. Sự phục hồi của nền kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp và xây dựng, kèm theo những nỗ lực trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được cho là đang khích lệ các DN nước ngoài, bao gồm cả  DN Đức đầu tư tại Việt Nam.

Có lẽ đó cũng là lý do mà Knauf Việt Nam - công ty con của Tập đoàn sản xuất thạch cao Knauft Group của Đức trong tháng 7 vừa qua đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng), nhằm mở rộng thị trường tại Việt Nam. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 41 triệu USD, công suất 10 triệu m2 thạch cao/năm.

“Trong khi thị trường xây dựng Việt Nam giảm nhẹ trong năm 2013, thì mức tiêu thụ thạch cao vẫn tăng 10%. Chúng tôi tin rằng, sản phẩm của Knauf sẽ phù hợp với thị trường Việt Nam”, ông David Thomas, Tổng giám đốc của Công ty Knauf Việt Nam nói.

Không chỉ ThyssenKrupp hay Knauft, mà nhiều nhà đầu tư Đức khác cũng đang tăng cường đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bosch là ví dụ điển hình, khi đã liên tục tăng vốn đầu tư từ 50 triệu euro lên 100 triệu euro, rồi 282 triệu euro chỉ trong vòng 5 năm.

Trong khi đó, Tập đoàn B. Braun (Đức) cũng đang có kế hoạch đầu tư khoảng 270 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 7-9 năm tới. Hiện tại, tập đoàn này đã có một nhà máy chuyên sản xuất các loại dịch truyền; dung dịch lọc thận, lọc máu; các thiết bị y tế bằng nhựa… tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư ban đầu 46 triệu USD. Mới đây, B. Braun đã tăng vốn đầu tư lên mức hơn 94 triệu USD.

Còn Mercedes-Benz, sau 19 năm hoạt động tại Việt Nam cũng đã giành những thành công nhất định. Hiện tại, hãng ô tô danh tiếng này chiếm tới 50% thị phần dòng xe hạng sang tại thị trường Việt Nam, với khoảng 30.000 khách hàng. Năm ngoái, Mercedes-Benz đạt tốc độ tăng trưởng 65%, còn 9 tháng đầu năm nay, con số này là 60%.

“Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Mercedes-Benz tại khu vực châu Á”, ông Michael Bahrens, Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam nói.

Mercedes-Benz, sau một thời gian dài hoạt động tại Việt Nam, trong năm ngoái đã đưa vào hoạt động nhà máy sơn nhúng tĩnh điện hiện đại và bảo vệ môi trường, vốn đầu tư 10 triệu USD, và năm nay cũng đã công bố đầu tư tiếp 10 triệu USD nữa, trong đó 5 triệu USD để phát triển dây chuyền mới, 5 triệu USD là để mở rộng hệ thống đại lý ở Việt Nam. Tháng 7 vừa qua, Mercedes-Benz cũng đã có bước đi mới khi chính thức công bố đảm nhiệm việc nhập khẩu, lắp ráp và phân phối xe tải FUSO tại thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi cam kết sẽ đầu tư dài hạn tại thị trường Việt Nam”, ông Michael Bahrens nói.

Xu hướng này là khá rõ ràng khi ngày càng nhiều tên tuổi Đức tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cách đây hơn một tuần, một đoàn gồm 11 DN tiêu biểu của bang Sachsen (Đức) đã tới tỉnh Hà Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh mới trong các lĩnh vực dệt may gia dụng, tự động hóa, công nghệ y khoa, xây dựng, sản xuất máy móc chuyên dụng...

Cả Bayer, rồi Siemens…, sau một thời gian đầu tư, kinh doanh thành công đều mong muốn tăng cường hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo ông Huệ, để hấp dẫn thêm nữa các nhà đầu tư Đức, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đầu tư của mình, cũng như tăng cường hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).