Đón dự án “khủng” về hạ tầng giao thông
Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), vào đầu tuần này, Bộ GTVT đã gửi Tờ trình số 2841/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn phía Nam Quốc lộ 18) sau khi lấy đủ ý kiến của các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Có hai lý do khiến Bộ GTVT không tiến hành lập dự án cho toàn tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (có tổng chiều dài 136,6 km) mà chỉ tiến hành lập quy hoạch chi tiết cho riêng cho phần phía Nam Quốc lộ 18. "Thứ nhất, là việc không thể đầu tư toàn bộ tuyến 1 lần do nguồn lực hạn chế và nhu cầu đầu tư cho từng đoạn tuyến cũng khác nhau. Thứ hai, là đoạn tuyến phía Nam vành đai 4 đã ổn định về hướng tuyến, quy mô xây dựng với sự đồng thuận cao của các cơ quan chức năng", Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường vành đai 4 đoạn phía Nam Quốc lộ 18 dài 98 km sẽ bắt đầu tại Km3 + 695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đi theo hướng Tây Nam vượt sông Hồng tại vị trí đặt cầu Hồng Hà, giao cắt Đại lộ Thăng Long tại Km12 +600, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ tại Km190 + 470 và vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở. Sau đó, đi về phía Đông Nam giao Quốc lộ 5 tại Km17 +900, Quốc lộ 38 tại Km 17+ 800, vượt sông Đuống tại vị trí cầu Hồ và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long tại lý trình 35 + 300. Tính tổng cộng, tuyến sẽ đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc của 3 tỉnh, thành là Hà Nội (7), Hưng Yên (4) và Bắc Ninh (3).
"Mục tiêu chính của tuyến đường vành đai 4 là kết nối các khu đô thị vệ tinh và khu công nghiệp tiệm cận với vùng lõi của Thủ đô Hà Nội, phục vụ giải tỏa lưu lượng các phương tiện giao thông nội đô, đặc biệt là một lượng rất lớn xe tải, xe ô tô quá cảnh trên các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm vào Thành phố", ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) khẳng định.
Tổng diện tích đất chiếm dụng của công trình (chưa tính tới hệ thống đường gom) lên tới 1.230 ha gồm 740 ha tại Hà Nội, 230 ha tại Hưng Yên và 260 ha tại Bắc Ninh. Với quy mô như trên, tuyến vành đai 4, đoạn phía Nam Quốc lộ 18 sẽ cần tới 66.584 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là khoản kinh phí xây dựng 36.148 tỷ đồng và 10.058 chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, khả năng huy động vốn, Bộ GTVT phân chia tuyến đường thành 7 dự án thành phần gồm: đoạn Quốc lộ 32 - Quốc lộ 6; đoạn Quốc lộ 6 - Quốc lộ 1B; đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai tới Quốc lộ 32; đoạn Quốc lộ 1B - hết cầu Mễ Sở; đoạn sau cầu Mễ Sở - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến km79 (hết địa phận tỉnh Hưng Yên) và đoạn Km79 - Quốc lộ 1A (địa phận tỉnh Bắc Ninh).
Bộ GTVT đang đề xuất chia Dự án về các địa phương có tuyến đường đi qua tham gia đầu tư bằng các nguồn vốn đa dạng, khuyến khích các địa phương tổ chức triển khai theo các hình thức BT, BOT, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Bộ GTVT sẽ chủ trì chung về đầu tư trên một số đoạn và các công trình đặc biệt bằng vốn ngân sách hoặc vốn vay ODA.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học cầu đường Việt Nam, ngay cả khi loại trừ phương án đổi đất lấy hạ tầng, không ít tiểu dự án vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các đoạn qua địa phận TP. Hà Nội, nơi có lưu lượng phương tiện giao thông dự báo đến năm 2020 lên tới 38.279 lượt xe/ngày đêm.
"Với tổng mức đầu tư lên tới cả chục ngàn tỷ đồng cho mỗi tiểu dự án, thời gian hoàn vốn có thể kéo dài từ 20 - 40 năm, không một nhà đầu tư nào có thể độc lập tác chiến. Trong bối cảnh đó, việc triển khai mô hình PPP kết hợp với khai thác quỹ đất có lẽ là lối thoát duy nhất cho dự án này", ông Long đánh giá.