Dòng vốn đầu tư Việt kiều tăng mạnh

Dòng vốn đầu tư Việt kiều tăng mạnh
 95% trong số này được kỳ vọng chuyển vào thị trường bất động sản.
 
Tất nhiên, đây là con số không đầy đủ, giới hạn trong hội viên ban đầu của Hiệp hội. Tuy nhiên, điều này phản ánh khá rõ sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong bối cảnh các nền kinh tế lớn của thế giới vẫn bị ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế.
 
Ngay từ đầu năm, vào tháng 2 năm 2009, với quyết định tăng vốn điều lệ từ 300 triệu USD lên 4,1 tỷ USD, Dự án Khu giải trí đa năng Saigon Atlantic do Tập đoàn Winvest LLC của Hoa Kỳ đầu tư đã trở thành dự án có quy mô tăng vốn lớn nhất tính tới thời điểm này.
 
Ông Peter Luu, chủ nhân dự án, một Viều kiều ở Mỹ, cho biết, mặc dù năm 2009 là một năm khó khăn, song Tập đoàn Winvest luôn chuẩn bị đầy đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đúng cam kết.
 
Cùng với Saigon Atlantic, Dự án Khu du lịch của Công ty Good Choice với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 là một trong 71 dự án có sự tham gia góp vốn của người Việt Nam ở nước ngoài tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng số vốn hơn 9,5 tỷ USD. Trong số này, 63 dự án có 100% vốn của người Việt Nam ở nước ngoài.
 
Bên cạnh các dự án tỷ đô nổi đình đám trong năm 2009 như Bãi biển Rồng tại Quảng Nam (4,15 tỷ USD), Dự án Thành phố Sáng tạo tại Phú Yên (1,68 tỷ USD giai đoạn 1), không thể không nhắc tới các dự án đã và đang được các nhà đầu tư Viều kiều thực hiện thành công ở Việt Nam.
 
Đó là Toà tháp Vincom, dự án Làng Việt kiều châu Âu (Hà Nội), Dự án Khu du lịch và giải trí Vinpearl Land (Đảo Hòn Tre - Nha Trang), Tổ hợp Thương mại Vật liệu Xây dựng và Thiết bị Nội thất Melinh Plaza (Vĩnh Phúc cũ), Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng EBM (Đồng Nai)...
 
Cũng phải thấy rằng, số vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt kiều hiện nằm ẩn trong số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được công bố hàng năm hoặc nằm tại dòng vốn đầu tư trong nước theo đường đi của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy không có sự phân tách rõ ràng, và rất khó đưa ra những con số đầy đủ về nguồn vốn này, song sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Việt kiều về Việt Nam đang nổi khá rõ.
 
Nhắc lại con số 41 triệu USD cam kết trong vòng khoảng 30 phút điều tra tại chỗ, các doanh nhân đều khẳng định nguồn vốn của họ  đã sẵn sàng. Ba lĩnh vực được quan tâm nhất là bất động sản, thương mại và du lịch. Các lĩnh vực đầu tư vào giáo dục, công nghệ cao, sản xuất hầu như ít được nhắc tới. Mấu chốt nằm ở khả năng tiếp cận và khai thác cơ hội đầu tư  tại Việt Nam chưa thực sự thuận lợi cho các kế hoạch dài hạn.
 
Trong buổi làm việc đầu tháng 11 vừa qua giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài với một số doanh nhân Việt kiều cho thấy, những khúc mắc trong thủ tục đầu tư không hề nhỏ cho dù sự thống nhất quy định pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp đã tạo nên sân chung cho các nhà đầu tư. Một số đặc điểm riêng biệt của nhà đầu tư Việt kiều khiến một số thủ tục đơn giản lại trở nên phức tạp.
 
Ông Hồ Phùng, Việt kiều Nhật về nước cách đây 12 năm kể lại câu chuyện bị làm khó trong việc đăng ký tên doanh nghiệp là Bách Hợp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Rắc rối phát sinh khi công chức thụ lý hồ sơ không chấp nhận tên này có nghĩa tiếng Việt.
 
“Việc bắt buộc phải giải thích tên bằng tiếng Việt là rất khó cho doanh nghiệp khi gia nhập với nước ngoài, nhất là chủ doanh nghiệp cần có những giao dịch với doanh nghiệp ở các nước mình đang sinh sống”, ông Phùng nói.
 
Liên quan đến lĩnh vực rất được quan tâm là bất động sản, thì sự ngập ngừng từ phía nhà đầu tư Việt kiều rất lớn khi các quy định về quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, khung giá đất thay đổi khá liên tục.
 
Thậm chí, ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho biết, kế hoạch đầu tư trung tâm thương mại của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức qua hai nhiệm kỳ đại hội vẫn chưa thực hiện được.
 
“Một số tỉnh, thành phố chưa có quy hoạch đô thị tổng thể nên việc xác định vị trí, địa điểm và lường trước tổng vốn đầu tư dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng rất khó khăn”, ông Long băn khoăn.