Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vướng mặt bằng tại TP.HCM

 Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài là 57.1 km, qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố, gồm: tỉnh Long An có 2 gói thầu (A1, A2-1) với chiều dài 4,89km, TP.HCM có 8 gói thầu (A1, A2-1, A2-2, A3, A4, J1, J2 và J3) với chiều dài 24,925km và tỉnh Đồng Nai có 4 gói thầu J3, A5, A6 và A7 dài 27,285km.

 
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại tổng sản lượng thực hiện các gói thầu xây lắp của dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã triển khai đạt 3.465,8 tỷ (tương đương 28,17% tổng giá trị xây lắp các gói thầu đã triển khai). Cụ thể, gói thầu A1: đạt 20,06%, gói A2-1 đạt 19,52%, gói A2-2 đạt 3,61%, gói A3 đạt 22,79%, gói A4 đạt 0,49%, gói J1 đạt 21,92%, gói J2 đạt 82,28%, gói J3 đạt 21,65%”.
 
Phạm vi dự án trên địa bàn TP.HCM đi qua 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Đến thời điểm hiện tại địa phương đã bàn giao được 1.232/tổng số 1.779 hộ (16,55/24,925 km), đạt gần 70%. Trong đó huyện Cần Giờ đã hoàn thành bàn giao mặt bằng. Tình hình thực hiện GPMB còn một số khó khăn, vướng mắc, trong đó huyện Nhà Bè đã bàn giao được 97.41% (còn 22 hộ tập trung tại khu vực nút giao Nguyễn Văn Tạo). Nguyên nhân là do VEC mới bố trí kính phí 10 tỷ để chi trả (các hồ sơ đã hoàn tất và cần thêm 11.4 tỷ để làm các thủ tục chi trả và cưỡng chế), ông Vị cho biết thêm.
 
Cũng theo Ban Quản lý dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành thì phạm vi còn vướng chủ yếu là huyện Bình Chánh, VEC đã chi trả và bàn giao 723/1161 hộ, diện tích 88,95/114,93 ha đạt 77%, còn vướng 438 hộ trong đó những khó khăn vướng mắc tập trung tại nút giao QL1A, hương lộ 11 và QL50.
 
Nguyên nhân, lý do vướng mắc do 245 hộ khiếu kiện, tranh chấp, chưa đồng ý ký hồ sơ nhận tiền (có 17 hộ gửi tiền kho bạc chờ lập thủ tục cưỡng chế khoảng 38,7 tỷ đồng). 140 hộ đã chi trả nhưng chưa bàn giao mặt bằng do yêu cầu cấp phép xây dựng trên mặt bằng còn lại dù đã được hỗ trợ tái định cư và đang xây lại nhà. 53 hộ đã đầy đủ hồ sơ đang chờ kinh phí khoảng 49 tỷ để chi trả. Trong tổng số hộ chi trả và bàn giao còn phải bổ sung 162 hộ mới nhận một phần tiền, đang chờ chi bổ sung tài sản, vật kiến trúc, suất đầu tư hạ tầng nhưng chưa hoàn tất hồ sơ bồi thường.
 
Trước những vướng mắc trên Ban Quản lý dự án Bến Lức - Long Thành kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh nhanh chóng phê duyệt và chi trả các hộ dân mới nhận một phần kinh phí bồi thường để bàn giao mặt bằng (146 hộ) và các hộ bổ sung cho đường dân sinh T14 và di dời đường điện cao thế sau khi có Nghị quyết thông qua của thành phố.
 
Đồng thời chỉ đạo UNBD huyện Bình Chánh nhanh chóng hoàn thiện trong tháng 6 việc kiểm đếm bổ sung, hoàn thiện các hồ sơ và ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với các hộ còn tồn tại. Tổ chức vận động các hộ khiếu kiện, không đồng ý ký hồ sơ nhận tiền; giải quyết các hồ sơ tranh chấp, thi hành án…Đồng thời nhanh chóng chi trả tiền đền bù cho người dân tại các vị trí ưu tiên, trọng tâm trọng điểm của dự án.
 
UBND TP.HCM chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh xem xét các hộ dân đề nghị xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và nhanh chóng bàn giao mặt bằng các hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao (tổng cộng 140 hộ) dù đã được bố trí tái định cư bằng tiền.
 
UBND TP.HCM chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh nhanh chóng lập thủ tục kinh phí GPMB và chi trả cho phần giao cắt giữa dự án mở rộng QL50 với dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. UBND huyện Bình Chánh nhanh chóng phê duyệt các hộ còn lại và 2 tổ chức là Công ty giày Phú Sơn và nhà máy nước đá.
 
UBND huyện Nhà Bè nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cho 2 tổ chức Trạm khí tượng thuỷ văn và Công ty ô tô Sao Mai các hộ còn lại cho công tác di dời đường điện cao thế đã được UBND thành phố thông qua.
 
Trước đó ngày 26/2 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã kiểm tra các gói thầu nguồn vốn JICA thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tại buổi làm việc Thứ trưởng Đông đã chỉ đạo: “Công tác GPMB di dời các công trình công cộng còn chậm tác động đến tiến độ dự án đặc biệt là gói thầu J1 và J3. Thủ tục triển khai gói thầu J1 chậm, đề nghị VEC xây dựng tiến độ tổng thể của tất cả các gói thầu để xác định hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ dự án. Trong thời gian tới huy động toàn bộ công trường, VEC phải nhanh chóng làm việc di dời các công trình công cộng điện cao thế tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án”.