Dự án làm trước, nhà tái định cư “chạy sau”
Theo phản ánh của UBND quận 2 - TPHCM, hiện nay vấn đề khó khăn nhất để vận động nhân dân giao đất thực hiện các dự án trên địa bàn là thiếu quỹ nhà, nền đất tái định cư (TĐC).
Chưa có chỗ TĐC đã thu hồi đất
Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, ông Nguyễn Văn Việt, cho biết khi tiếp cận với người dân bị giải tỏa, điều họ quan tâm đầu tiên là TĐC ở đâu chứ không phải là giá đền bù.
Tại buổi đối thoại với Ban Pháp chế (HĐND TPHCM) mới đây, ông Nguyễn Duy Thanh (ở khu phố 1, phường Thủ Thiêm, phường có 100% số hộ giải tỏa để phục vụ dự án khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, quận 2) trăn trở: “Bị nằm trong diện giải tỏa đã là thua thiệt đủ điều, nhưng bảo chúng tôi giao đất mà chưa có nơi TĐC thì làm sao chúng tôi chấp nhận được!”.
Theo UBND quận 2, trong tổng số 35 dự án có vốn ngân sách đang thực hiện bồi thường, có 20 dự án có nhu cầu TĐC (tổng cộng 10.899 căn hộ và nền đất). Thế nhưng chỉ có 2 trong số 20 dự án là có quỹ nền đất và căn hộ TĐC (dự án đại lộ Đông Tây và KĐTM Thủ Thiêm).
Bản thân dự án KĐTM Thủ Thiêm cũng đang thiếu trầm trọng quỹ nhà TĐC. Lãnh đạo quận 2 cho rằng đây là chuyện không ổn vì theo quy định của Luật Đất đai: Khi thực hiện di dời giải tỏa phục vụ dự án phải bảo đảm có nơi TĐC cho người dân.
UBND huyện Nhà Bè - TPHCM cho biết hiện nay, huyện đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho 56 dự án, trong đó chỉ có 7 dự án có TĐC cho dân. “Các dự án lớn rất nhiều, nhưng huyện chưa có quỹ nhà, đất TĐC. Như dự án KĐTM Phước Kiển-Nhơn Đức có quy mô 350 ha với 342 hộ dân bị giải tỏa, nhưng “lục” khắp nơi chưa có quỹ đất TĐC” - ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, dẫn chứng.
Tại quận 8, chính quyền quận cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm quỹ đất xây dựng hàng ngàn căn hộ TĐC để phục vụ các dự án dân sinh có tính cấp bách. Tiêu biểu là dự án nạo vét rạch Ụ Cây và rạch Xóm Củi với trên 2.500 hộ phải di dời và ngần ấy hộ có nhu cầu TĐC.
Nhận nền TĐC để... ngó chơi
Không chỉ do khách quan, nguyên nhân chủ quan khiến hàng trăm hộ dân phải sống tạm cư triền miên ngoài tình trạng thiếu quỹ nhà, đất TĐC còn do sự “ầu ơ” của các chủ đầu tư xây dựng các khu TĐC. Dự án xây dựng khu TĐC cảng sông Phú Định (quận 8) do Công ty TNHH một thành viên cảng sông Phú Định làm chủ đầu tư được xem là một trong những dự án “ì ạch” nhất.
Sau 5 năm bị giải tỏa, đến nay 79 hộ dân vẫn phải sống tạm cư, dù từ tháng 6-2008 họ đã được bốc thăm nhận nền TĐC. Không thể kể hết những “cột mốc” ngày hoàn thành khu TĐC này mà chủ đầu tư hứa với TP. Nhưng chuyện vô lý mà cũng là bế tắc khiến công trình ì ạch là chỉ có con đường dài 400 mét dẫn vào khu TĐC nhưng một năm qua chưa thi công xong.
Sau nhiều lần đi thực tế, chính ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, phải ngán ngẩm: “Chúng tôi đi thị sát phải dùng đến xe hai cầu mới lội qua được con đường này. Không hiểu quận 8 tổ chức cho dân bốc thăm làm gì, vì nhận nền nhà xong, người dân chỉ biết ngó do... chưa có đường vào”.
Dự án kiểu “ngâm tôm” như trên không phải là cá biệt, tại quận Bình Thạnh còn không ít khu tạm cư hình thành không dưới 10 năm như khu tạm cư Cù Lao Chà.
Nguy cơ... tạm cư tiếp
Tại buổi tham vấn với Ban Pháp chế mới đây, ông Nguyễn Văn Hiệp thừa nhận: TP luôn lúng túng về quỹ nhà, đất TĐC. Nhiều dự án chưa có quỹ nhà đã giải phóng mặt bằng, làm dự án rồi mới chạy lo nhà TĐC. Điển hình như dự án KĐTM Thủ Thiêm, đến nay, 12.500 căn hộ TĐC chưa xây dựng được nên không thể giải tỏa dân. Sắp tới, dự án Bình Quới-Thanh Đa được TP kêu gọi đầu tư nhưng chưa thấy tính toán quỹ nhà TĐC như thế nào.
Ông Hiệp cảnh báo: “Hiện đất nền tại TP đã hết, sắp tới tập trung vào xây dựng căn hộ chung cư để TĐC, nhưng chỉ riêng phần thủ tục xây dựng phải mất 2 - 3 năm, do đó quỹ nhà TĐC lại càng thiếu và nguy cơ tạm cư là có thể...”.
Nhìn nhận thực tế, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Tấn Bền cho rằng lâu nay công tác chuẩn bị quỹ nhà TĐC của TP chỉ mang tính chắp vá, cần đến đâu, chạy đến đó. Từ đó mới xảy ra tình trạng tạm cư thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân.
“Trách nhiệm này không chỉ của Sở Xây dựng, đơn vị đầu mối được TP giao lo thủ tục đầu tư, tổ chức xây dựng mà cái chính là quận-huyện không nắm chắc trên địa bàn mình hằng năm có bao nhiêu dự án đầu tư để chủ động đề xuất TP chuẩn bị quỹ nhà TĐC”- ông Bền nói.
“Làm mới” Nghị quyết 57
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Nguyễn Thanh Chín đề nghị: Sở Xây dựng tổng rà soát lại năng lực của các chủ đầu tư thực hiện dự án TĐC để có hướng xử lý vi phạm từng đơn vị. Riêng Nghị quyết 57 của HĐND TPHCM về bồi thường, hỗ trợ, TĐC và đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, dù đã hết hiệu lực nhưng quan điểm của HĐND TP là tiếp tục thực hiện theo hướng “nâng cấp” và bổ sung một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở giám sát kết quả giải quyết TĐC của TP trong thời gian tới.