Dự án ODA giao thông "đắt thầu"

Việc có tới 19 nhà thầu quốc tế nộp hồ sơ dự thầu vòng sơ tuyển đánh giá năng lực đối với 3 gói thầu xây lắp của Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là 1a, 1b, 1c được tổ chức đầu tháng 6 đã cất đi nỗi lo.

Các gói thầu này được tách ra từ Gói thầu PK1 - từng được đấu thầu vào giữa năm 2008, nhưng phải hủy kết quả đấu thầu khi chỉ có 2 nhà thầu Trung Quốc tham gia dự thầu, trong đó nhà thầu bỏ giá thấp nhất đã vượt giá gói thầu hơn 2.000 tỷ đồng.

Đây cũng là lý do khiến Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (dài 62 km, gồm 4 gói thầu xây lắp có tổng vốn đầu tư 8.104 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản) chỉ giải ngân được 7,15% khối lượng sau 4 năm triển khai thực hiện.

"Việc tuyển chọn nhà thầu suôn sẻ là cơ hội tốt để Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có thể khởi công vào giữa quý III/2009. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của thị trường xây dựng công trình giao thông đối với các nhà thầu quốc tế cũng đã có dấu hiệu phục hồi do giá vật liệu xây dựng giảm mạnh trong thời gian vừa qua", ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU2) - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư khẳng định.

Nhận định này của ông Tuấn là hoàn toàn có cơ sở, bởi tại lễ mở thầu các gói thầu xây lắp A6, A7 thuộc Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và gói thầu xây lắp A1 thuộc Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được thực hiện theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức vào đầu tháng 3 và giữa tháng 5, trung bình mỗi gói thầu có tới 7 - 8 nhà thầu quốc tế đến từ Hàn Quốc, Italy, Trung Quốc,Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam nộp hồ sơ dự thầu.

Cũng cần nói thêm rằng, trong khoảng thời gian từ đầu quý III/2008 đến cuối năm 2008, nhiều gói thầu xây lắp có quy mô lớn thuộc các dự án xây dựng cảng biển, đường bộ, công trình cầu vượt sông sử dụng vốn vay ODA do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được thực hiện dưới hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế có rất ít nhà thầu tham dự hoặc nếu có thì đều bỏ vượt xa giá gói thầu, do giá vật liệu xây dựng tăng đột biến.

Do vậy, việc các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn ODA "đắt hàng" trở lại đã đem lại rất nhiều lợi ích cho các chủ đầu tư.

"Ngoài việc có thêm cơ hội lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, những lo ngại về việc phải bổ sung một lượng vốn khá lớn cho các dự án này để bù biến động giá đã được xóa bỏ", ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị quản lý Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn II đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm thuộc đường vành đai III Hà Nội (vốn đầu tư 5.547 tỷ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản) đánh giá.

Dự toán công trình này được lập vào tháng 3/2008, nhưng do giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, chủ đầu tư Dự án là Bộ GTVT vào cuối tháng 2/2009 phải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công hàm đề nghị Chính phủ Nhật Bản cấp vốn bổ sung 7,909 tỷ yên để có đủ vốn triển khai.

Tuy nhiên, do giá vật liệu xây dựng giảm mạnh trong những tháng gần đây, nên ngoài việc không cần phải bổ sung thêm vốn, Dự án còn tạo thêm sức hấp dẫn đối với các nhà thầu.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT hiện có những cơ hội thuận lợi để hoàn thành vượt mức mục tiêu giải ngân 2.815 tỷ đồng vốn ODA năm 2009 đăng ký với Chính phủ.

"Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2009, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Dự án Đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây tìm được nhà thầu và ký hợp đồng khoảng 5 - 7 gói thầu xây lắp, với quy mô trung bình 2.000 tỷ đồng/gói là hoàn toàn khả thi", ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc VEC khẳng định.

Như vậy, với mức tạm ứng hợp đồng 10%, chỉ tính riêng 2 dự án này, lượng vốn được giải ngân đã lên tới 1.500 tỷ đồng. Được biết, tính đến ngày 31/5/2009, với 38 dự án ODA đang trong giai đoạn triển khai, Bộ GTVT đã giải ngân được 1.585 tỷ đồng, bằng 56,3% kế hoạch năm.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, không chỉ các dự án đang trong giai đoạn tìm nhà thầu, mà cả các dự án từng bị liệt vào danh sách "báo động đỏ" của các nhà tài trợ do chậm tiến độ (như Dự án xây dựng cầu Thanh Trì, Dự án cải tạo mạng lưới đường bộ WB4, Dự án cầu Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn II...) cũng được hưởng lợi từ việc giá vật liệu xây dựng giảm mạnh.

"Từ đầu năm 2009 đến nay, tốc độ giải ngân vốn ODA tại các dự án tăng khá mạnh, ước khoảng 500 tỷ đồng/tháng. Đây là kết quả giải ngân tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây", ông Dũng cho biết.