Dự án tuyến metro số 2 TP.HCM: Cơ hội lớn cho nhà thầu
Gói thầu “Tư vấn thực hiện dự án (IC) - Các dịch vụ tư vấn thiết kế, đấu thầu và giám sát xây dựng việc thực hiện dự án” tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM) trị giá 64,7 triệu USD vừa được Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) mở thầu tại TP.HCM, với sự tư vấn của Trung tâm Tư vấn đấu thầu và Hỗ trợ đầu tư (CPI), đơn vị trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc CPI, hồ sơ đấu thầu gói tư vấn này gồm hồ sơ năng lực, kinh nghiệm của công ty/liên danh hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính. “Các bước thực hiện trong đấu thầu của gói thầu này phải đảm bảo theo quy định của Luật Đấu thầu Việt Nam, đồng thời không trái với Hướng dẫn của nhà tài trợ KfW. Kết quả đánh giá các hồ sơ dự thầu sẽ được Ban quản lý đường sắt đô thị phê duyệt trên cơ sở ý kiến không phản đối của KfW”, ông Cường nói.
Ông Cường cho biết thêm, gói thầu IC tuyến metro số 2 sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I thực hiện trong 18 tháng, bao gồm thiết kế nền tảng dựa trên thiết kế cơ sở đã được trình bày trong dự án và hỗ trợ đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Giai đoạn II kéo dài trong 6 năm, với nhiệm vụ là giám sát thiết kế, xây dựng và giám sát thực hiện hợp đồng giám sát sự vận hành của các cơ sở dự án.
TS. Peter Lindlein, chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Tái thiết Đức cho biết, gói thầu IC tuyến metro số 2 sẽ được giới hạn cho các công ty Đức hoặc liên danh trong đó đứng đầu là công ty Đức và đơn vị này phải chiếm hơn 25% chi phí chuyên gia trong hợp đồng tham gia đấu thầu. Một liên danh không được có nhiều hơn 5 tư vấn và công ty Đức phải chiếm hơn 50% chi phí chuyên gia của hợp đồng. Đơn vị tư vấn hoặc công ty đứng đầu liên danh phải có kinh nghiệm thực hiện ít nhất 3 dự án đường sắt đô thị, giao thông lớn và tàu điện ngầm. Doanh thu của đơn vị tư vấn phải đạt bình quân trên 50 triệu euro/năm, trong đó các công ty tư vấn tại Đức chiếm một nửa.
Theo thiết kế, tuyến metro số 2 có chiều dài 11,3 km, bao gồm 10 ga ngầm và 1 ga trên cao, được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuyến metro này sẽ vận chuyển 140.000 lượt hành khách/ngày trong năm đầu tiên, với giá vé dự kiến là 3.000 đồng/lượt.
Ông Nguyễn Minh Quốc, Phó trưởng ban quản lý MAUR cho biết, tuyến metro số 2 có tổng vốn đầu tư 1,3745 tỷ USD, từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016.
Trong cơ cấu vốn đầu tư, phần vốn vay ADB (540 triệu USD) được dùng cho xây lắp, depot, tư vấn, chi phí tài chính, dự phòng phí. EIB tài trợ 150 triệu euro (tương đương 195 triệu USD) dùng để xây lắp, thiết bị, depot... Vốn tài trợ của KfW là 240,75 triệu euro (tương đương 313 triệu USD) phục vụ gói thầu đầu máy toa xe, thiết bị, tư vấn, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Phía Việt Nam sẽ thu xếp 326,5 triệu USD vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi phí quản lý dự án, tư vấn...
Ông Peter Lindlein cho biết, hạn chót nộp hồ nhận thầu là ngày 19/8/2011, vào lúc 15 giờ tại Việt Nam và 10 giờ tại Đức. Công tác xét thầu dự kiến được thực hiện trong vòng 1 tháng.