EU sang kiểm tra chất lượng thuỷ sản Việt Nam
Ông Nguyễn Như Tiệp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các địa phương báo cáo về kết quả điều tra, khảo sát vùng nuôi, phiếu điều tra vùng nuôi hàng năm.
Đồng thời, xem xét lại bản đồ các vùng nuôi tại địa phương, danh sách các cơ sở nuôi và báo cáo các nội dung thay đổi trong thực tế nuôi trồng (diện tích, thời gian thu hoạch, đối tượng nuôi, phương thức nuôi...) để Cục nắm bắt tình hình.
Nafiqad cũng nhắc nhở các trung tâm chất lượng vùng và Cơ quan quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản Nam Bộ, Trung Bộ đặc biệt lưu ý kiểm tra hoạt động lấy mẫu, giám sát vùng nuôi cũng như hồ sơ điều tra nguyên nhân và các biện pháp đã thực hiện đối với trường hợp phát hiện có dư lượng chất cấm hoặc vượt mức giới hạn cho phép trong các mẫu của chương trình từ năm 2008 đến nay.
Đối với các trường hợp thuốc thú y thủy sản, thức ăn bị phát hiện có dư lượng kháng sinh cấm trong năm 2009, cần tiến hành kiểm định các mẫu lưu hoặc gửi mẫu tới các phòng kiểm nghiệm bên ngoài để kiểm đối chứng.
Cuối tháng 9, Nafiqad đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn công tác chuẩn bị, đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EU liên quan đến chương trình kiểm soát dư lượng trong thuỷ sản nuôi tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương.
Thứ trưởng Phương đánh giá, chuyến thanh tra này có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc EU có cho phép các sản phẩm thủy sản nuôi và mật ong của Việt Nam được phép tiếp tục xuất khẩu vào thị trường EU hay không.
Do vậy, ông yêu cầu Nafiqad phối hợp với Cục Nuôi trồng thuỷ sản, Thú y và các địa phương tổ chức ngay các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tại các cơ sở, chế biến xuất khẩu thuỷ sản sang EU.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tháng 9/2009 ước đạt 430 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 9 tháng năm 2009 đạt 3,047 tỷ USD.
Theo xu hướng, những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản sẽ tăng do kinh tế thế giới dần phục hồi cùng với nhu cầu tiêu thụ trong mùa Noel và Tết dương lịch. Điều này thể hiện rõ nhất là tình hình tiêu thụ cá tra, basa có nhiều dấu hiệu tích cực.
Chẳng hạn, thị trường tiêu thụ cá tra, basa trong 8 tháng đầu năm lớn nhất là các nước châu Âu, trong đó, EU chiếm 42,64% giá trị xuất khẩu mặt hàng này, tiêu thụ 151.000 tấn, đạt 365 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 1,4% về giá trị so với năm 2008. Các nước châu Âu khác tiêu thụ cũng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.