EuroCham: Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam lên 56 điểm
Kết quả của cuộc khảo sát lần thứ 6 về Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý do EuroCham thực hiện vào tháng 1/2012 và công bố hôm nay cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã ổn định và cho thấy một sự gia tăng khiêm tốn sau khi đã giảm 11 điểm trong quý 4 của năm 2011.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nhận xét về cuộc khảo sát “Sự tăng nhẹ của chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham lên 56 điểm cho thấy sự tạm dừng của xu hướng đi xuống về lòng tin của doanh nghiệp như chúng ta đã thấy trong năm 2011. Tuy nhiên, mức độ lòng tin của doanh nghiệp vẫn còn xa so với mức của năm ngoái. Điều đó cho thấy sự không chắc chắn giữa các nhà đầu tư vẫn còn. Các vấn đề cơ cấu chính vẫn chưa được giải quyết như việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô là hai ví dụ chính.”
26% số DN có quan điểm tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại
40% doanh nghiệp tham gia vào cuộc khảo sát thuộc ngành công nghiệp dịch vụ, một phần tư thuộc ngành sản xuất và thương mại, còn lại thuộc các ngành khác.
Có sự thay đổi nhỏ trong tình hình kinh doanh
So với kết quả khảo sát gần đây nhất, các phản hồi của doanh nghiệp cho thấy sự thay đổi nhỏ trong cách đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ. 38% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh của họ là trung bình, giảm nhẹ so với tỉ lệ 45% trong lần khảo sát lần trước.
Số đánh giá “tốt” hoặc “xuất sắc” về tình hình kinh doanh hiện tại của họ chiếm 36%, tăng nhẹ so với tỉ lệ 32% của quý trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 64% doanh nghiệp hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại vào cùng thời gian này năm ngoái. Số doanh nghiệp có quan điểm tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại vẫn hầu như không đổi so với quý trước là 26%, nhưng cao hơn 14% so với năm trước.
6 tháng đầu năm 2012 có ¼ số DN có cái nhìn bi quan về kinh doanh
Kết quả khảo sát cho biết, có 39% doanh nghiệp đánh giá “tốt” hoặc “xuất sắc”. Điều này cho thấy sự tăng 12% so với quý trước, nhưng nếu so với đánh giá về triển vọng kinh doanh tích cực cùng thời gian này năm ngoái thì số đánh giá của năm ngoái là 72%.
Một phần tư lượng phản hồi có cái nhìn bi quan về kinh doanh trong 6 tháng trước. Những kết quả trên vẫn chưa thực sự tích cực, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy rằng chiều hướng đi xuống liên tục về quan điểm kinh doanh đã tạm thời dừng lại.
Liệu triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ ngừng lại ở mức này hay dần dần cải thiện, điều này vẫn cần được xem xét.
24% doanh nghiệp có kế hoạch giảm đầu tư trong trung hạn tại Việt Nam
Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư cho năm 2012, thành viên tham gia có thể hiện sự thoải mái hơn một chút nhưng vẫn thận trọng như các cuộc khảo sát trước đây.
Có 38% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư “ít” hoặc “nhiều” (10%), trong khi 31% muốn duy trì mức đầu tư của họ và 24% có kế hoạch giảm đầu tư tại Việt Nam trong trung hạn. Điều này cho thấy sự giãn ra của thái đội “đợi” vàxem” mà chúng ta thấy trong quý trước. Trong khi điều này thể hiện sự phát triển tích cực thì so với cùng thời gian này năm ngoái, số phản hồi về kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam lại là 67%.
Triển vọng trái chiều về doanh thu
Khi được hỏi về mức doanh thu và số đơn hàng mong đợi về mặt trung hạn thì câu trả lời lại thể hiện những sự trái ngược về quan điểm. 47% hy vọng có sự gia tăng về doanh thu về mặt trung hạn.
Con số này cũng tương tự như quý trước (45%). Số doanh nghiệp (27%) mong muốn số đơn hàng giữ nguyên ít hơn so với quý trước. Tỷ lệ này trong quý trước là 34%. Cũng có một sự gia tăng trong số lượng phản hồi cho rằng doanh thu giảm. Tỷ lệ này là 22%, đây là tỷ lệ cao nhất trong các quý vừa qua. Khi xem xét đến các kế hoạch tuyển dụng, 40% phản hồi mong muốn tuyển thêm nhân viên trong trung hạn.
39% mong muốn duy trì mức hiện tại và chỉ 14% tính đến việc giảm nhân viên tại Việt Nam.
Lạm phát cao vẫn là một mối quan tâm lớn cho các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp tham gia vào cuộc điều tra về dự đoán của họ về tỷ lệ phần trăm mất giá của tiền đồng (VND), mức trung bình của tất cả các câu trả lời là 8.33%. Ngoài ra, 53% doanh nghiệp cho rằng lạm phát có tác động căn bản đến công việc kinh doanh của họ và 36% cho rằng họ bị một số tác động. 8% đánh giá lạm phát thực sự đe dọa công việc kinh doanh của họ tại Việt Nam.
65% DN cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục đi xuống Một tỷ lệ đáng kể 65% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục đi xuống. Trong khi 35% cho rằng tình hình sẽ ổn định và dần dần được cải thiện.
Điều này cho thấy một sự không chắc chắn cơ bản từ phía các nhà đầu tư về số phận của nền kinh tế Việt Nam. Khi được hỏi liệu khủng hoảng kinh tế hiện tại của châu Âu có ảnh hưởng đến các quyết định của công ty trong việc đầu tư vào Việt Nam không? Thì 55% khẳng định rằng khủng hoảng có ảnh hưởng đến họ, mặc dù hầu hết doanh nghiệp khẳng định là ảnh hưởng “nhẹ”. Ngược lại, 44% phản hồi rằng khủng hoảng tại châu Âu không ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc đầu tư tại Việt Nam.
Tham nhũng vẫn ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư
Khi được hỏi liệu tham nhũng cơ bản có làm giảm hoặc trì hoãn việc đầu tư của họ tại Việt Nam không thì các ý kiến phản hồi tạm thời chia thành ba luồng ý kiến. Khoảng 39% cho rằng có ít ảnh hưởng, và 25% nói rằng tham nhũng không ảnh hưởng gì đến họ, 34% doanh nghiệp nói rằng tham nhũng làm giảm hoặc trì hoãn ‘đáng kể’ đầu tư của họ tại Việt Nam. Đây là một sự gia tăng từ tỷ lệ 28% trong qúy trước và cũng cho thấy tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và thể hiện nổi bật trong sự cân nhắc của các nhà đầu tư về Việt Nam.