EVN không cắt điện khi bảo dưỡng Nhà máy điện Cà Mau

EVN không cắt điện khi bảo dưỡng Nhà máy điện Cà Mau

 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong tháng 7, dự kiến phụ tải của hệ thống điện là 420,4 triệu kWh/ngày, công suất cực đại 21.761MW tuy vẫn nằm trong khả năng điều tiết của ngành điện nhưng cũng đã xuất hiện những khó khăn.

 

 

Cụ thể, nguồn cung cấp khí để phát điện ở miền Nam bị cắt giảm sản lượng do từ ngày 6/7 đến 19/7/2014 toàn bộ nguồn cung khí từ khu vực PM3 cung cấp cho Nhà máy điện Cà Mau 1&2 có tổng công suất 1.500 MW sẽ bị cắt. Các ngày còn lại trong tháng 7 sản lượng khí PM3 cấp ở mức 4,7 triệu m3/ngày.

Hệ thống khí PM3 -CAA là nguồn nhiên liệu chính cung cấp cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 (tổng công suất 1500 MW). Hai nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 cũng chiếm khoảng 15% nhu cầu tiêu thị điện của khu vực miền Nam.

Được biết, từ cuối năm 2013, sau khi lắp đặt máy nén khí, lượng khí cấp cho các Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đã tăng lên mức 4,78 triệu m3/ngày so với mức 4,4 triệu m3/ngày trước đó. Tuy vậy trong năm 2013, hệ thống khí PM3 được đánh giá là cấp khí không ổn định, hay xảy ra sự cố dẫn đến phải ngừng dự phòng các tổ máy hoặc chuyển huy động bằng nhiên liệu dầu. Tổng sản lượng điện huy động từ nhà máy điện Cà Mau 1&2 bằng nhiên liệu dầu trong năm 2013 do sự cố và công tác khí là 81,1 triệu kWh.

Tổng sản lượng khí cấp từ PM3 cho các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 của năm 2013 là 1,49 tỷ m3, tương đương trung bình ngày là 4,09 triệu m3/ngày.

Hồi tháng 3/2014, Nhà máy điện Cà Mau 1và 2 cũng đã bị sự cố mất khí khiến EVN phải huy động một tổ máy của Nhà máy điện Ô Môn (Cần Thơ) chạy bằng dầu FO và thêm hai đến ba tổ máy tua-bin khí của các nhà máy điện Cà Mau chạy bằng dầu DO. Tổng sản lượng điện huy động bằng nhiên liệu dầu thay khí này là khoảng 15,2 triệu kWh/ngày. Trong đó chi phí phát sinh cho việc chạy dầu của các nhà máy trong một ngày khoảng 70 tỷ đồng.

Theo kế hoạch Vận hành hệ thống điện năm 2014 được Bộ Công thương phê duyệt, tháng 7/2014 là thời gian cao điểm huy động nguồn điện chạy dầu DO với sản lượng khoảng 117 triệu kWh. Đây chính là nguồn thay thế cho việc khí PM3 bị mất.

Hệ thống điện trong tháng 7 cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác khi miền Bắc và miền Trung bước vào mùa mưa, bão với những diễn biến và ảnh hưởng khó lường đối với tất cả các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Mặc dù vậy EVN vẫn cam kết đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt với công suất khả dụng trên 22.000MW (kể cả trong giai đoạn cắt khí). Để làm được việc này, một số hồ thủy điện miền Nam có mức nước cao sẽ được tăng cường khai thác ngay từ đầu tháng 7 và đặc biệt trong các ngày cắt khí PM3 (từ 6 - 19/7) là Thủy điện Đa Nhim, Trị An, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 3.

Các nhà máy nhiệt điện than được lên kế hoạch khai thác cao theo tình hình phụ tải và điều chỉnh kịp thời khi có lũ về ở miền Bắc. Tua-bin khí khai thác cao theo khả năng cấp khí, đảm bảo cấp điện miền Nam. Nhiệt điện dầu huy động để đảm bảo cung cấp điện trong những ngày cắt khí PM3 và chống quá tải khi cần thiết.