FDI - mắt xích không thể tách rời của kinh tế Việt Nam
Vẫn có những ý kiến trái chiều xung quanh các đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), diễn ra vào đầu tháng 12/2016 tại Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã một lần nữa gửi đi thông điệp rằng, Việt Nam coi FDI là một thành phần phát triển kinh tế Việt Nam và điều này đã được hiến định.
“Khu vực FDI là một mắt xích không thể tách rời của kinh tế Việt Nam và thực tiễn cho thấy, khu vực này có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những đóng góp này và cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng về xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI thường xuyên đóng góp 65-70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây. Chỉ riêng 11 tháng năm 2016, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 159,5 tỷ USD của cả nước, khu vực FDI đã đóng góp 114,1 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), chiếm hơn 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, câu chuyện nằm ở chỗ, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại khiến Việt Nam chưa tối ưu hóa được dòng vốn FDI. Và cũng vì thiếu liên kết, nên cái nhìn của dư luận về những đóng góp của khu vực FDI vẫn có phần phiến diện. Nỗi lo “FDI hóa” nền kinh tế, như nhiều chuyên gia kinh tế đề cập, không phải không có lý.
Vì lý do này, chuyện tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam chưa bao giờ được nhấn mạnh đến vậy. Tại VBF 2016, thậm chí, đây còn được coi là chủ đề thảo luận chính của Diễn đàn. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh mong muốn doanh nghiệp FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, thị trường và năng lực quản trị... sẽ có những cam kết và hành động cụ thể, thực chất, để hỗ trợ, tăng cường liên kết, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích chung của các bên.
“Chúng tôi cũng sẽ đặc biệt ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận, tham gia, cung ứng nhiều linh kiện, phụ tùng, dịch vụ đạt yêu cầu cho các doanh nghiệp FDI. Các bên cùng nhau hợp tác, chế biến, đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối khu vực và thế giới”, Thủ tướng khẳng định.
Trên thực tế, chuyện liên kết doanh nghiệp nội - ngoại không chỉ là bài toán từ phía Việt Nam, mà còn là nhu cầu từ chính các doanh nghiệp FDI. Không phải ngẫu nhiên mà Samsung đã liên tiếp có các chương trình hỗ trợ và tìm kiếm doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của mình. Bởi có nhà cung cấp nội địa, doanh nghiệp FDI không chỉ chủ động được nguyên phụ liệu, mà sẽ giảm bớt được chi phí khi phải nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài. Thêm nữa, mua hàng của doanh nghiệp nội còn là cách để các doanh nghiệp FDI đáp ứng cam kết về tỷ lệ nội địa hóa với Chính phủ Việt Nam để được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư. Hiện đã có 12 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung.
“Nhưng để thực hiện chính sách kết nối đầu tư nước ngoài, cần phải tập trung mở rộng mối quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm từ các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, cũng cần phải có chính sách mở rộng các kênh để các doanh nghiệp FDI có thể tiếp cận được hàng hóa trung gian từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ. Ông Han Dong Hee cũng đề xuất thành lập một cơ quan giúp kết nối các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để tìm các cơ hội kinh doanh.
“Cần có một chính sách để lựa chọn, khuyến khích và quảng bá các doanh nghiệp FDI đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI mua phụ tùng và hàng hóa trung gian tại Việt Nam cần được biểu dương và được hưởng thêm nhiều ưu đãi liên quan đến thuế và nới lỏng hạn chế đầu tư”, ông Han Dong Hee nhấn mạnh.
Số liệu được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) công bố mới đây, chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này là khá nhỏ so với mức 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia… Chỉ khi nào doanh nghiệp Việt Nam tham gia được nhiều hơn vào chuỗi cung ứng này và cũng chỉ khi nào các doanh nghiệp FDI có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước, thì khi đó “mắt xích FDI” trong nền kinh tế Việt Nam mới thực sự không thể tách rời.
“Chúng ta cần những sáng kiến để hỗ trợ hơn là hạn chế các cơ hội kinh doanh giữa các công ty Việt Nam và công ty nước ngoài”, bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh.