FDI quay đầu giảm, Vì sao ?
Thu hút FDI sụt giảm 10%
Theo số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu hút FDI trong tháng 11 tiếp nối đà sụt giảm của tháng 9 và tháng 10 trước đó, dẫn tới nguồn vốn đăng ký mới cũng như tổng số vốn đăng ký thực hiện của năm 2016 đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đối với nguồn vốn đăng ký mới, tính đến ngày 20-11, cả nước có 2.240 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,028 tỷ USD, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,075 tỷ USD, con số này giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung trong 11 tháng năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD, giảm 10,05% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2016, dường như việc cán đích 23 tỷ USD cho năm 2016 đã nằm ngoài tầm tay của Việt Nam.
Dẫn đầu các lĩnh vực đầu tư vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khi đây là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 907 dự án đầu tư đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,41 tỷ USD, chiếm 3/4 tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng. Tuy nhiên, bên cạnh sự quay đầu sụt giảm của vốn đăng ký FDI thì một điểm sáng của khu vực này chính là việc giải ngân vốn đầu tư. Tính đến ngày 20-11-2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc thu hút FDI giảm trong tháng 11 còn có thể tiếp tục kéo dài. Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng một phần liên quan đến sự tác động của việc ký kết Hiệp định TPP đang chững lại do những biến động về chính trị. Trong thế giới đầy biến động, rủi ro như thế này thì tính thận trọng trong đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn, đồng thời, kinh tế có mức hồi phục yếu thì cạnh tranh giữa các nước trong thu hút các dòng vốn lại cao hơn. Chính vì hai yếu tố này khiến các nhà đầu tư nước ngoài đắn đo hơn và họ có thêm nhiều quyền chọn khi đầu tư vào các nước. “Nói một cách khách quan, khi Hiệp định TPP đứng trước những dấu hỏi lớn thì rõ ràng các nhà đầu tư cũng sẽ phải xem xét lại. Bởi chúng ta đều biết rằng, trong 2- 3 năm qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế mà TPP có thể mang lại đối với những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, như dệt may chẳng hạn. Các nhà đầu tư hi vọng với sự thúc đẩy của TPP cũng như những hiệp định khác thì kinh tế Việt Nam sáng sủa hơn, như vậy không chỉ những ngành nghề XK Việt Nam có lợi thế mà nhiều lĩnh vực khác nhà đầu tư cũng có thể quan tâm hơn, nhưng bây giờ rõ ràng họ phải tính toán lại”, ông Võ Trí Thành phân tích. Nhận định về việc liệu xu hướng FDI giảm có tiếp tục kéo dài hay không, chuyên gia này cho rằng về lâu dài, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ phụ thuộc vào hai nhân tố: Môi trường kinh tế thế giới và cải cách kinh tế tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, sở dĩ có sự giảm sút này một phần cũng là do nguồn lực đầu tư nước ngoài trên thế giới có xu hướng giảm, trong khi cạnh tranh về chi phí nhân công, môi trường kinh doanh giữa các nước đang phát triển trong thu hút FDI đang gia tăng. Về lâu dài, điều này đòi hỏi Việt Nam cần có sự cải thiện đáng kể về thể chế, chất lượng nhân lực để tiếp tục hấp dẫn nguồn vốn này.
Có đáng lo ngại?
Trao đổi với Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết, qua trao đổi với một số lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đầu tư của một số địa phương có thu hút đầu tư nước ngoài, các địa phương này cho biết có một động thái là hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đón đầu Hiệp định TPP tại Việt Nam đang tạm dừng dự án. Tất nhiên không phải hoàn toàn do TPP nhưng các nhà đầu tư này khi đầu tư nước ngoài họ cũng nghe ngóng tình hình địa chính trị của thế giới để tính toán lại khả năng đầu tư. Theo đó, kết quả bầu cử của Mỹ với việc ông Donal Trump cho thấy trật tự thế giới có những thay đổi nếu ông Trump làm theo cách mà ông ấy công bố, ví dụ như sẽ dừng đàm phán TPP. Riêng với Việt Nam, nếu TPP không có Mỹ thì sẽ bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt ở ngành dệt may. Có hai khả năng, một là sẽ không còn TPP, hai là còn nhưng sẽ không có Mỹ. Cả hai khả năng này sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam và đều bất lợi nhiều hơn là có lợi, trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ tính toán lại, nếu hiệu quả đầu tư vẫn còn thì có thể tiếp tục đầu tư, còn nếu hiệu quả thấp đương nhiên họ sẽ dừng lại.
Trên thực tế, bên cạnh yếu tố TPP, sự cố ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formusa Hà Tĩnh cũng đã ảnh hưởng nhiều tới đầu tư nước ngoài. Sau sự cố này, tư duy về thu hút đầu tư nước ngoài đã có sự thay đổi từ Trung ương tới địa phương. Nhiều địa phương cũng đã thận trọng hơn, có sự chọn lọc hơn trong chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chưa kể về mặt vĩ mô, việc thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi) dần dần sẽ xóa bỏ sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có mức độ hơn, đặc biệt các dự án có trình độ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng chắc chắn sẽ không được khuyến khích và đương nhiên thu hút đầu tư FDI ở những dự án này sẽ giảm đi.
Nhận định về những lo ngại liên quan đến nguồn vốn FDI sụt giảm, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, số lượng thu hút FDI không quan trọng bằng chất lượng và việc giảm sút này thực tế cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại. Dẫn chứng việc vốn đầu tư giảm nhưng giải ngân FDI tăng so với năm ngoái, tiếp tục xu hướng tăng giải ngân vốn đầu tư trong những năm gần đây và đây là tín hiệu tốt, phản ánh thực chất hiệu quả thu hút FDI. “Không phải lúc nào nguồn vốn đầu tư đăng ký tăng lên mới là tốt, vì chất lượng của nguồn vốn mới là quan trọng, vì thế không nên quá coi trọng tổng số vốn đầu tư mà nên coi trọng vốn thực hiện và chất lượng dự án. Cũng là một dự án, nhưng nếu đầu tư vào công nghệ cao thì cho dù số vốn đầu tư ít vẫn đáng trân trọng, bởi những dự án này sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài và bền vững hơn là các dự án có nguồn vốn lớn nhưng lại dẫn tới các nguy cơ ô nhiễm môi trường”, ông Toàn nói. Trên thực tế, một số dự án như dự án của Tập đoàn LG tại Hải Phòng, dự án của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã giải ngân đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD, hay dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng hơn 2 tỷ USD… là những tín hiệu tốt đến từ khu vực FDI trong năm 2016.
Nhận định về thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2016, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hạn chế lớn của thu hút FDI của Việt Nam chính là sự kết nối giữa các DN FDI và DN trong nước còn tương đối yếu. Các ngành chế tạo chế biến thâm dụng lao động có sự phát triển nhưng chưa kích thích sự phát triển của các ngành cung ứng như bông, sợi, thuốc nhuộm, hóa chất… “Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore… giá trị gia tăng trong XK có thể tăng lên qua nâng cao hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm và dịch vụ XK. Những điển hình trên cũng cho thấy, mô hình XK chủ yếu dựa vào chi phí lao động thấp, các mặt hàng XK thâm dụng lao động với hàm lượng công nghệ thấp rốt cuộc sẽ mất đi lợi thế do lương buộc phải tăng lên”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam lưu ý. Đây cũng là khuyến nghị mà Việt Nam cần lưu ý để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Nhận định về những lo ngại liên quan đến nguồn vốn FDI sụt giảm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, số lượng thu hút FDI không quan trọng bằng chất lượng và việc giảm sút này thực tế cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại.