FDI vào bất động sản: tăng nhưng nhiều hệ lụy
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, con số FDI nêu trên đã phản ánh sát thực tế và chấp nhận được. Tuy nhiên, sự sai lệch về cơ cấu đầu tư ngành diễn ra lâu nay trong lĩnh vực FDI, dù đã có nhiều cảnh báo, vẫn chưa có sự chuyển biến tốt hơn.
Mấy năm qua FDI đổ vào kinh doanh bất động sản tăng nhanh. Năm 2007, đầu tư bất động sản chiếm khoảng 25% tổng vốn đăng ký, con số này của năm 2008 là 36,8% và của sáu tháng đầu năm 2009 cũng hơn 60% tổng vốn đăng ký (tương đương 5,92 tỉ USD). Như vậy, có thể nói rằng, lĩnh vực kinh doanh bất động sản là nhân tố quan trọng nhất góp phần tăng nhanh FDI vào nước ta.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến các dự án bất động sản cần được xem xét, đánh giá trong mối liên quan và tác động của nó đến các lĩnh vực khác, trước hết là nông nghiệp, nông thôn, nông dân để từ đó có đối sách phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực của nó.
Các dự án kinh doanh bất động sản đều chiếm diện tích đất khá lớn và trong đó có cả đất nông nghiệp, có giá trị gia tăng cao vì nó nằm ở khu vực đắc địa ở các đô thị lớn và các khu công nghiệp tập trung, khu du lịch.
Riêng các dự án sân golf, theo số liệu được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội mới đây, cả nước có “166 sân golf, trong đó có 145 dự án được cấp đất với tổng diện tích 52.000 ha, trong đó đất nông nghiệp là 10.500 ha, riêng đất trồng lúa là 2.900 ha”.
Ngoài tác động tiêu cực đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đầu tư nhiều vào bất động sản còn gây phức tạp về cân đối thu chi ngoại tệ vì hầu hết các dự án này không có xuất khẩu, có thu một phần khiêm tốn qua cung cấp dịch vụ du lịch. Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng giãn ra do các dự án bất động sản tập trung phần lớn ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung và khu du lịch.
Để hạn chế các tác động này cần vận động tăng FDI vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Muốn tăng thu hút FDI vào nông nghiệp thì Nhà nước cần làm tốt vai trò của “bà đỡ”, tạo thêm sức hút FDI.
Theo đó, Nhà nước tập trung hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, trạm trại giống cây trồng, vật nuôi, phát triển giao thông nông thôn, cung cấp điện, nước sạch...), khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực, kể cả dạy nghề, tiếp cận vốn, đất đai, tiếp thu công nghệ, cung cấp thông tin, thị trường... để cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp.