Gia nhập TPP, làm sai nhà nước sẽ bị doanh nghiệp kiện

 Sáng nay tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới”. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan hơn về các hiệp định kinh tế FTA, TPP và AEC ở Việt Nam cũng như những phương hướng, chiến lược hợp tác kinh tế, thương mại.

 
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó có 8 FTA đã có hiệu lực, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do ASEAN và 5 hiệp định thương mại giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia – New Zealand; 2 hiệp định song phương (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – Chile).
 
Có 2 hiệp định đã ký kết, nhưng chưa có hiệu lực là hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc , Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu; 2 hiệp định thương mại thế hệ mới đã kết thúc đàm phán, gồm hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, những hiệp định này là cơ hội cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp hội nhập và phát triển. Một khi các hiệp định được thực thi, hàng rào thuế quan sẽ dần được gỡ bỏ tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hoá giữa các nước với nhau. Hàng hoá theo đó cũng dồi dào, phong phú đặc sắc hơn, tạo cơ hội cho người tiêu dùng trong nước được tiếp cận với những sản phẩm có chất lượng cao. Song song với đó, hàng hoá Việt Nam cũng có cơ hội được xuất khẩu nhiều hơn ra thế giới.
 
Đây cũng là nhận định chung của cộng đồng chuyên gia. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng khi dòng vốn ngoại đầu tư được chảy vào nhiều, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Ngoài ra, với những cam kết quốc tế, những thủ tục rườm rà, phức tạp cũng dần được cắt bỏ, tạo môi trường thuận lợi hơn trong kinh doanh. Tóm lại, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ là những đối tượng được hưởng nhiều lợi ích trong làn sóng mở cửa này.
 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, cơ hội thì nhiều nhưng khó khăn thách thức cũng như rủi ro là không ít. Trong đó, rủi ro về pháp lý là câu chuyện được nhấn mạnh vì nó là một cơ chế hoàn toàn mới đối với Việt Nam.
 
Cụ thể, như lưu ý của ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế là khi gia nhập TPP, Bộ Tài chính cần phải để ý về cơ chế pháp lý.
 
Bởi đối với những hiệp định tự do trước đây, nếu có sai phạm nhà nước cũng không bị kiện. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi TPP được áp dụng. “Cơ chế nhà nước kiện nhà nước và cơ chế nhà đầu tư kiện nhà nước khi xảy ra vi phạm” có cam kết trong TPP. Do đó, đây là thách thức và rủi ro rất lớn cho DN Việt Nam, ông nhấn mạnh.
 
Với cam kết này, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ tại trọng tài quốc tế, tuy nhiên nhà đầu tư khởi kiện không căn cứ sẽ bị phạt.
 
Đồng quan điểm, ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết về phạm vi và mức độ cam kết trong TPP, quy định này sẽ cho phép doanh nghiệp kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư và được áp dụng đối với các hợp đồng đầu tư.
 
Nội dung sẽ được minh bạch hóa từ thủ tục giải quyết tranh chấp, xét xử công khai và cho phép sự tham gia của 3 bên, ông Phương cho biết.
 
Ông Hoàng Mạnh Phương cũng khẳng định đây được xem là cam kết quan trọng và hoàn toàn mới, nhất là đối với các nước trong khối ASEAN. Nội dung này cũng chưa bao giờ được Việt Nam cam kết trước đấy. Và, ông nhấn mạnh, mặc dù cho việc công khai minh bạch này sẽ tạo những gánh nặng pháp lý nhưng có tác động tích cực đến sự hành xử của từng nước.