“Giải mã” nghịch lý thị trường lao động

Thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại nghịch lý: nhiều người mất việc, trong khi một số doanh nghiệp (DN) không tuyển được công nhân; lao động đã qua đào tạo khó tìm việc, trong khi nhiều DN “khát” nhân lực có tay nghề, v.v…
Chuyên gia thị trường lao động Trần Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi để tìm cách “giải mã” nghịch lý trên.
 
Không tham gia thị trường lao động
 
Hiện có nhiều lao động mất việc, nhưng doanh nghiệp có nhu cầu lại không tuyển được, vì sao?
Trong thị trường lao động Việt Nam hiện nay, nguồn cung vẫn lớn hơn so cầu. Tuy nhiên, theo thống kê của trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) TP.HCM, trong quý 1/2009, số chỗ làm được các DN đưa ra đều cao hơn số người đăng ký tìm việc, cả ở khu vực nhân sự cao cấp, lẫn lao động phổ thông. Đó là một nghịch lý, bởi vì một số lượng rất lớn lao động, dù đang thiếu việc làm, nhưng lại không tham gia thị trường lao động.
 
Tại sao họ lại không tham gia thị trường, trong khi bản thân họ đang cần việc làm?
Có nhiều lý do. Thứ nhất, phần lớn những người vừa bị mất việc là lao động thuộc nhóm ngành có công việc khá nặng nhọc và thu nhập thấp, nhất là các ngành may, dệt, giày da. Họ không muốn quay lại nghề cũ, nên cần có thời gian lựa chọn công việc thích hợp.
Thứ hai, một số người tìm được việc, mặc dù không thật ổn định, nhưng có thể tạm sống. 
Thứ ba, theo tôi là nguyên nhân quan trọng nhất, là chất lượng phần lớn công việc đang được rao tuyển là khá thấp, không phù hợp với một bộ phận người lao động.
 
Không thể coi là việc làm
 
Thời gian qua, các chương trình kết nối việc làm cho lao động mất việc được triển khai, nhưng lao động vẫn tỏ ra không mặn mà?
Trong số yêu cầu tuyển dụng 20 ngàn lao động mà các DN ở TP.HCM đưa ra gần đây, có gần 1/2 thuộc lĩnh vực may, giày da; một số khác thuộc các ngành nghề như: vệ sinh công nghiệp, bảo vệ, bảo hiểm…
Đó là những công việc có thu nhập khá thấp, nặng nhọc và không thật sự ổn định. Dù chương trình kết nối việc làm cho công nhân mất việc đã tạo cơ hội cho hơn 10 ngàn người, vẫn có một số chấp nhận tạm đứng ngoài cuộc, sống bằng những công việc “tự tạo”.
 
Có phải chủ yếu là do họ “chê” việc làm đó có thu nhập quá thấp?
Tôi quan niệm rằng, chỗ làm nào mà có thu nhập quá thấp, thì không thể coi đó là việc làm đúng nghĩa. Người lao động chỉ có thể được coi là có việc làm, một khi thu nhập từ công việc đó đảm bảo cho họ khả năng tái tạo sức lao động ở mức tối thiểu. 

Thực tế có những DN khi rao tuyển lao động thì nói là đảm bảo thu nhập 1,8 – 2 triệu đồng/tháng, nhưng sau đó lại trả lương theo sản phẩm, mà khi vào nhận việc, người lao động không biết định mức sản phẩm cao hay thấp. Khi ấy, nếu làm không đủ định mức, thì ai đảm bảo thu nhập cho họ?
Thông tin thị trường lao động bị nhiễu!
 
Theo ông, nhiều doanh nghiệp vẫn rao tuyển lao động với số lượng lớn vào thời điểm này, có phải là một dấu hiệu khả quan?
Về mặt nào đó, có thể thấy đây là dấu hiệu hoạt động sản xuất của nhiều DN đang hồi phục. Nhưng xét về toàn cục, thì không hẳn như vậy. Có không ít trường hợp, do thiếu ổn định, bị động trong sản xuất, nên một số DN khi kiếm được đơn hàng, thì tuyển lao động ồ ạt, nhằm mục đích: giải quyết đơn hàng theo đúng tiến độ; một số thì tuyển để “dự phòng”, bù vào số lao động có thể bị mất. 
Ngoài ra, còn có hiện tượng DN mặc dù rao tuyển nhiều, nhưng thực tế lại chỉ tiếp nhận số lượng nhỏ. Tình trạng này gây hiện tượng nhiễu thông tin về thị trường lao động.
 
Số liệu sử dụng lao động mà doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý liệu có xác thực, thưa ông?
Con số đó, có thể coi là một trong những cơ sở để cơ quan quản lý tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách. Về mức độ xác thực so với thực tế, vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Xin đơn cử, một số DN, mặc dù thiếu đơn hàng, hoạt động cầm chừng, nhưng tuyên bố không sa thải công nhân, mà cho công nhân nghỉ, hưởng 70% lương cơ bản, tức chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng.
 
Dần dần, số này không chịu nổi, phải “tự giác” xin nghỉ việc. Số này rất lớn, nhưng vẫn không thể xếp vào dạng lao động bị sa thải. Mặt khác, một số lao động được giới thiệu nhận việc ở DN mới, nhưng do không phù hợp với công việc, nên sau thời gian ngắn, họ bỏ việc. 
Trong khi đó, DN chỉ báo cáo số lao động “vào”, mà không báo cáo số lao động “ra”. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào con số báo cáo, thì đáng lạc quan, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
 
Vẫn còn “lệch pha”
Theo số liệu của ngành LĐ-TB&XH, số lao động được đào tạo năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu thiếu lao động có tay nghề?
Thực trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Quy mô đào tạo của ta chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường; không phải tất cả lao động qua đào tạo đều sử dụng được.
 
Hiện lao động có tay nghề vẫn khó tìm việc làm, vì sao?
Lao động có tay nghề giỏi vẫn luôn dễ tìm việc làm. Nhưng thực tế không phải lao động nào được đào tạo cũng đều giỏi nghề. Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, tiêu chuẩn tuyển chọn lao động của các DN trở nên khắt khe hơn. Họ cần những lao động có thể sử dụng và phát huy hiệu quả được ngay. 
Hơn nữa, ngay trong hệ thống đào tạo của ta cũng đang còn nhiều bất cập, nhất là “lệch pha” giữa nội dung, chất lượng đào tạo với nhu cầu của thị trường. Có những ngành nghề, thị trường không cần nhiều, nhưng ta lại đào tạo ồ ạt. 
Có những ngành nghề, thị trường đòi hỏi người lao động phải có tính chuyên nghiệp cao, thì nội dung đào tạo còn hời hợt. Công tác dự báo để phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
 
Nhưng dường như doanh nghiệp chỉ biết kêu thiếu lao động kỹ thuật, mà không biết làm gì hơn?
Đúng vậy. Ở các nước phát triển, các DN không thể đứng ngoài cuộc, mà phải trực tiếp bắt tay với các cơ sở đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn của mình. Ở nước ta, điều này còn quá hiếm hoi.
 
Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm hình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các DN cần tranh thủ thời gian để xây dựng nguồn nhân lực, từ đó tạo tiền đề cho quá trình phát triển lâu dài, trên nền tảng lực lượng nhân sự vững mạnh. Có thể họ sẽ vướng phải rào cản về tài chính, nhưng nếu quyết tâm, thì sẽ làm được, bằng cách này, hay cách khác.