Giăng băngrôn xin bỏ Thông tư 20: Bộ Công thương giải trình
Trách nhiệm Bộ Giao thông
Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 18/8, Bộ Công thương cho biết, trước thời điểm Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương (Thông tư 20) được ban hành, ở Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng một số chủng loại phương tiện (chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống) được nhà sản xuất triệu hồi trên toàn thế giới để khắc phục lỗi nhưng không được triệu hồi ở Việt Nam.
Bởi thế Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 20, yêu cầu thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (loại chưa qua sử dụng) khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp những giấy tờ sau cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Bộ Công thương khẳng định, Thông tư 20 không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" mà để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Việc áp dụng Thông tư 20 cũng đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm đối với người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô trước đây.
Nhấn định Thông tư 20 không trái luật, lại có mục tiêu chính đáng, nhưng Bộ Công thương cũng thừa nhận rằng thông tư này chưa phải chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.
Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác trong khi rủi ro gây mất an toàn và rủi ro xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Không những thế, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước.
"Để thực sự bảo vệ quyền lợi của người dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ Giao thông vận tải, không phải Bộ Công thương và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu", văn bản giải trình của Bộ Công thương viết.
Cũng theo Bộ Công thương, Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, v.v... nên theo phản ánh của báo chí, đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20, tiếp tục coi thường người tiêu dùng nói riêng và an toàn của toàn xã hội nói chung.
Các tiêu cực dạng này không thể khắc phục được bằng Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng, chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước mà cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện.
Theo đó, tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Chính vì thế, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
Không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.