Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào năm 2014

Dự kiến, đến năm 2014 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào khai thác, giải quyết một phần cơ bản nhu cầu đi lại của nhân Thủ đô từ phía Tây Nam vào trung tâm thành phố là hướng có lưu lượng giao thông lớn nhất hiện nay. Tuyến đường sắt này được chọn là công trình trọng điểm quốc gia, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
  
Sáng 22/5, tại Hà Nội, Cục đường sắt Việt Nam và Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng (EPC) dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông với sự tham dự của ông Lê Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Tôn Quốc Tường – Đại sứ CHND Trung Hoa tại Việt Nam, ông Vũ Xuân Hồng – Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cũng nhiều quan khách hai nước.
  
Ông Trần Quý Thường – Phó Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cho biết: Hiện nay tình trạng ách tắc giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên trầm trọng, gây thiệt hại không chỉ về thời gian, tiền bạc của nhân dân mà còn làm suy giảm chất lượng môi trường, cảnh quan đô thị.

Giải quyết vấn đề giao thông đô thị ở các đô thị lớn đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền các cấp, các bộ ngành liên quan.
 
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, để giải quyết vấn nạn này không thể không thiết lập mạng lưới vận tải công cộng khối lượng lớn bằng bánh sắt làm lực lượng chủ đạo. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, ở Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị xuyên suốt các cụm dân cư, các đô thị mới và các khu hành chính, thương mại.
  
Tháng 11/2003, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, hai bên đã thỏa thuận về việc Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt nhẹ nội đô với công nghệ mới, hiện đại, giá thành hợp lý, hiện đang hoạt động hiệu quả ở một số thành phố của Trung Quốc. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Cục đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, hợp tác với Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc triển khai dự án.
 
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bắt đầu xuất phát từ khu vực nút giao Cát Linh – Giảng Võ.
 
Đó là khu vực trung chuyển hành khách đô thị tương lai của Hà Nội, kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông với tuyến đường sắt Nhổn – Hà Nội và tuyến buýt nhanh BRT.
 
Từ đây, tuyến đường sắt đi dọc theo giải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo mép sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo giải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Điểm cuối của tuyến là bến xe Hà Đông mới cạnh quốc lộ 6.  
 
Toàn tuyến có 12 ga theo thứ tự là: ga Cát Linh – ga La Thành – ga Thái Hà- ga Láng – ga Đại học quốc gia – ga Vành đai 3- ga Thanh Xuân 3 – ga bến xe Hà Đông cũ – ga Hà Đông – ga La Khê – ga Văn Khê – ga bến xe Hà Đông mới. Cự ly bình quân giữa các ga là 1km. Khu Depot đặt tại phường Phú Lương, TP Hà Đông. 
 
Toàn tuyến dài 13,05km, đi hoàn toàn trên cao, được thiết kế đường đôi, khổ 1435mm, điện khí hóa; áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu cấp động đất số 8…Đoàn tàu gồm 4 toa (giai đoạn đầu khai thác), hoặc 6 toa (giai đoạn về sau khi lưu lượng giao thông tăng) với sức chở 2.008 hành khách. Tốc độ tối đa đoàn tàu là 80 km/h, tốc độ lữ hành 35k/h.

Tàu có thời gian khai thác hàng ngày từ 5h sáng đến 23h đêm (18 tiếng với tần suất tối đa 2 phút/1 chuyến. Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ/hướng. 
   
Dự án có tổng mức đầu tư 8.769.965 triệu đồng, tương đương 552,86 triệu USD được huy động từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, tín dụng ưu đãi hỗ trợ bên mua của Eximbank Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
 
Dự án được chia thành 7 gói thầu. Gói thầu chính của dự án là gói thầu số 1: tổng thầu EPC. Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc được chỉ định thực hiện gói thầu số 1 với trị giá hợp đồng là 350,537 triệu USD, thời gian thực hiện 5 năm.

Dự kiến, đến năm 2014 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào khai thác. Tuy nhiên, công việc phía trước của dự án vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc triển khai của dự án.