Hạ tầng giao thông - Lợi thế của khu kinh tế Phú Yên
Đồng bộ về giao thông, hạ tầng
Phú Yên là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, là địa phương có đầy đủ các địa hình đồng bằng, rừng núi, trung du, biển. Phú Yên là cửa ngõ thông ra biển của Tây Nguyên, giáp ranh với các địa phương có sự phát triển kinh tế năng động (Bình Định, Khánh Hoà).
Hiện nay, Phú Yên có đầy đủ, đồng bộ các loại hình giao thông vận tải từ đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển. Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua, Quốc lộ 25 nối Gia Lai, Quốc lộ 29 nối Đắc Lắc, đặc biệt là tuyến đường ven biển nối TP. Tuy Hoà với Khu kinh tế Vũng Rô vừa được đầu tư. Các tuyến đường này trong thời gian qua đã được nâng cấp và mở rộng, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, rút ngắn thời gian đi lại. Các đầu mối giao thông được bố trí hợp lý, Ga Tuy Hoà nằm trong trung tâm thành phố, gần tuyến đường QL 1A đi qua. Sân bay Tuy Hoà cũng không xa nội thị, có thể tiếp nhận máy bay cỡ lớn vào hoạt động.
Ngoài ra, Phú Yên còn là địa phương sở hữu cảng biển nước sâu Vũng Rô, có thể đón tàu trọng tải 30.000 DWT. Trong thời gian tới, với kế hoạnh xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên thì Phú Yên sẽ là đầu mối thuận lợi nhất để triển khai tuyến đường này nhờ có địa hình thích hợp.
Ông Nguyễn Lê Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho biết: “Phú Yên đã xây dựng đồng bộ các loại hình giao thông, cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hoá, phát triển kinh tế của địa phương với tầm nhìn dài hạn. Với mong muốn trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh”.
Lọc dầu Vũng Rô, thỏi nam châm cho ngành công nghiệp phụ trợ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 3 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích 387 ha và các cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ 10 - 20 ha ở các huyện. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã đầu tư đi vào hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Pymepharco; Nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu 3.000 tấn/năm; Nhà máy đường KCP của Ấn Độ công suất 5.000 tấn mía/ngày, Nhà máy đường Tuy Hoà công suất 1.250 tấn mía/ngày; Công ty Thai Nakorn Patana; Nhà máy Thủy điện Sông Hinh với công suất 72 MW; Nhà máy Thuỷ điện sông Ba Hạ công suất 220 MW…
Phú Yên đang triển khai xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, với trọng tâm là ngành lọc, hóa dầu. Sự phát triển của Phú Yên trong tương lai phụ thuộc rất lớn vào Khu kinh tế Nam Phú Yên. Ngày 9/9/2014, Công ty Lọc dầu Vũng Rô tiến hành động thổ xây dựng Cảng Bãi Gốc, hạng mục đầu tiên trong Dự án Lọc hoá dầu Vũng Rô, sự kiện này đã đánh dấu cột mốc quan trọng với sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung. Từ dự án trọng điểm này, Phú Yên kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên nhận định, trong tương lai, khi được xây dựng, Nhà máy Lọc hoá dầu Vũng Rô sẽ là thỏi nam châm thu hút các dự án khác đến đầu tư phụ trợ như các dự án sản xuất phân bón, khí ga..., biến nơi đây thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Trung. Việc cảng Bãi Gốc phục vụ nhà máy lọc hóa dầu và cả nhu cầu vận tải biển nói chung của tỉnh Phú Yên đã bắt đầu được xây dựng được coi là thành công bước đầu của Khu kinh tế Nam Phú Yên. “Chỉ vài năm nữa, Phú Yên sẽ là một trong những trung tâm lọc hóa dầu lớn của cả nước và là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Nam Phú Yên sẽ là địa chỉ đỏ trên bản đồ thu hút đầu tư của Việt Nam”, ông Thành nói.