’Hầm hiện đại nhất Hà Nội rò rỉ nước là bình thường’
- Hai ngày nay tại một số vị trí trên tường của hầm Kim Liên xuất hiện những vết nước rò rỉ. Là đơn vị chủ đầu tư ông giải thích sao về việc này?
- Sau khi VnExpress.net phản ánh thông tin trên, chúng tôi đã mời tư vấn Nhật Bản, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi, nghiệm thu, giám sát và thiết kế hầm đi kiểm tra. Bước đầu họ khẳng định, hầm hoàn toàn an toàn không có vấn đề về chất lượng và kỹ thuật. Vết rò rỉ ở hầm là xuất hiện ở khe co giãn.
Bản thân khi thiết kế khe co giãn, người ta đã tính toán để tránh hiện tượng lún cục bộ không đều. Còn việc rò rỉ, thấm nước cũng đã được chủ định nếu có thì sẽ qua vị trí đó để có nghiên cứu và đưa ra biện pháp xử lý.
Việc rò rỉ nước là bình thường và đã được dự kiến từ trước. Hiện nay, công trình vẫn đang trong quá trình thi công, chưa nghiệm thu, bàn giao. Vì thế, tư vấn đang theo dõi độ lún cũng như tiến triển của các vố cầu để đưa ra các giải pháp xử lý những vết rò rỉ cho hiệu quả nhất.
- Ông cho rằng, việc rò rỉ nước là từ các khe co giãn. Vậy tại sao các khe khác không xuất hiện hiện tượng này?
- Thực ra, trước đây nhiều vị trí khác cũng rò nhưng đơn vị thi công đã quan trắc và xử lý. Có những chỗ trước đây đã xử lý thì hiện nay không còn nhưng có chỗ đến nay mới có sự cố.
Theo đơn vị tư vấn thì hiện nay toàn bộ mặt bằng đang đào bới thi công cho nên lượng nước mặt dồn xuống rất lớn. Họ hy vọng toàn bộ mặt đường sau khi hoàn thành có rãnh thoát nước tốt thì áp lực cũng sẽ giảm đi. Đó cũng là yếu tố để giảm các màng ngăn của khe thoát nước có thể có sự cố.
- Hết việc hầm vừa thông xe xong đã ngập nước đến 2 ngày gần đây xuất hiện những vết rò rỉ. Nhiều người lo ngại rất có thể công trình không đảm bảo và có thể bị "rút ruột". Ông nói sao về điều này?
- Đây là công trình sử dụng nguồn vốn ODA, bản thân chủ đầu tư đã phải thuê công ty tư vấn của Nhật Bản, có chuyên gia giám sát cho nên họ phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và UBND thành phố về chất lượng công trình này.
Chúng tôi khẳng định, trong quá trình kiểm soát từ vật liệu, đầu vào, sản xuất thi công... công trình hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công rất nhiều nội dung và hạng mục, chắc chắn không thể không có một vài sơ suất nhưng chỉ là rất nhỏ và không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Ở góc độ chủ đầu tư, tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện "rút ruột" công trình vì khi thi công các công đoạn đều được tuân thủ theo các quy trình, các bước rất chặt chẽ.
Chúng tôi cũng mong muốn tiếp nhận tất cả những ý kiến của nhân dân, quần chúng phát hiện ra những vấn đề tiêu cực trong quá trình tổ chức, thi công của nhà thầu và chủ đầu tư... để kịp thời xử lý.
Hai ngày nay trên tường hầm nước liên tục rỉ ra. Ảnh: Xuân Tùng |
- Có ý kiến cho rằng, cần phải kiểm tra toàn diện lại chất lượng công trình. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Trước khi đưa công trình vào sử dụng bao giờ chúng tôi cũng phải tuân thủ theo quy định về việc chứng nhận chất lượng của công trình. Không phải đến khi bàn giao mà trong quá trình này nếu có những sự cố về kỹ thuật chúng tôi cũng có thể mời các cơ quan quản lý chất lượng của nhà nước vào kiểm tra, thẩm định chất lượng.
- Nhiều người nêu ý kiến, việc xây dựng hầm xe cơ giới tại khu vực này không hợp lý. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Những ý kiến phải đứng trên góc độ khác nhau. Nút giao thông này là trọng điểm trước khi thoát ra khỏi đường vành đai I của Hà Nội từ cửa phía Nam trở vào thủ đô.
Trước khi chưa thông hầm, lưu lượng giao thông tại nút này tập trung rất lớn, hiện nay Hà Tây đã sáp nhập vào Hà Nội và sắp tới lưu lượng giao thông chắc chắn sẽ tăng do đó sẽ rất quá tải cho nên việc thông hầm ở dưới sẽ giảm tải rất nhiều việc ùn tắc giao thông cho nút này.
Trước đây cũng có ý kiến, tại sao không làm cầu vượt nhưng phải đảm bảo cảnh quan kiến trúc phù hợp với không gian và cảnh quan xung quanh khu vực này. Ở nút này, có một trường đại học và một công viên, làm cầu trên cao sẽ không tôn vinh cái đẹp của khu vực này.
Việc làm hầm là đã có nghiên cứu, báo cáo, đánh giá và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.