Hầm Thủ Thiêm chưa được nghiệm thu đã sắp hết hạn bảo hành
Trả lời Dân trí về việc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra thế nào về tình trạng thấm nứt ở hầm Thủ Thiêm, GS.TS Nguyễn Viết Trung, Tổ trưởng Tổ chuyên gia được giao nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên công trình Đại lộ Đông Tây (hầm Thủ Thiêm là 1 hạng mục trong công trình này) của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cho biết: “Tôi chưa được báo cáo gì về vấn đề này, mọi thông tin tôi biết được đến thời điểm này chỉ là qua báo chí”.
Còn về việc chủ đầu tư dự án công bố là Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thông qua phương án khắc phục, xử lý vết thấm nứt trong hầm Thủ Thiêm, GS.TS Nguyễn Viết Trung cho biết: “Phương án xử lý đó được phê duyệt từ lâu rồi, từ khi xử lý các vết nứt thấm trước đây, phê duyệt để xử lý cho các vết nứt thấm tương tự như thế chứ không phải phê duyệt riêng cho các vết nứt, thấm mới phát sinh được phản ánh gần đây”.
Một vấn đề khác mà dư luận đang quan tâm là thời hạn bảo hành hầm Thủ Thiêm sẽ hết vào cuối năm 2012 (thời hạn bảo hành là 1 năm, từ 20/11/2011 đến 20/11/2012). Nếu với cách khắc phục nửa vời như thế này thì khả năng thấm trở lại là rất cao. Khi đó, chi phí khắc phục sẽ phải lấy từ ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Viết Trung cho biết: “Về hợp đồng bảo hành thế nào là chuyện giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tôi không được biết. Nhưng có điều tôi có thể khẳng định là hầm Thủ Thiêm chưa được nghiệm thu, tôi chưa làm báo cáo nghiệm thu cho công trình này mà”.
Trả lời về vấn đề Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã kết luận hầm Thủ Thiêm đủ tiêu chuẩn để khánh thành và đưa sử dụng từ ngày 20/11/2011, GS.TS Nguyễn Viết Trung cho rằng: “Vào thời điểm tháng 11/2011, để đáp ứng yêu cầu chính trị là đưa hầm Thủ Thiêm vào hoạt động từ ngày 20/11/2011, chúng tôi có báo cáo đề nghị chấp thuận cho hầm bắt đầu khai thác để thông xe toàn tuyến đại lộ Đông Tây thôi chứ chưa phải là nghiệm thu. Chúng tôi cũng lưu ý là trong thời gian hầm hoạt động cần theo dõi tiếp xem có diễn biến gì bất thường hay không mới nghiệm thu công trình này”.
Sập thì không nhưng sẽ giảm tuổi thọ công trình
Theo Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông thì chủ đầu tư cần mời nhiều nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu trong nước cùng nhau coi lại nguyên nhân thực sự dẫn đến hiện tượng này, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý cơ bản. Nếu không, với cách xử lý như hiện nay thì nguy cơ thấm lại là rất cao.
Ông nói: “Dù đơn vị tư vấn, nhà thầu đều là đơn vị nước ngoài, xử lý chuyên môn với công nghệ cao. Nhưng họ là “ông bán thuốc” chứ không phải là “ông bác sĩ”. Mục tiêu chính của họ là bán cho được thuốc, xử lý cho qua chứ không phải là chữa bệnh thực sự”.
Theo Th.S Phạm Sanh, tuy mức độ hư hại như hiện nay thì nguy cơ sập hầm là chuyện không thể xảy ra, bởi dù có thấm nước nhưng kết cấu chịu lực của hầm vẫn không bị ảnh hưởng thì không sao. Tuy nhiên, nếu cứ để tình trạng rạn nứt, thấm nước tiếp diễn như thế thì sẽ làm mất mỹ quan của hầm và khiến người dân e ngại khi lưu thông qua hầm. Và điều chắc chắn là nó sẽ làm giảm tuổi thọ của hầm.
PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp địa chất công trình xây dựng và môi trường, Ủy viên Tổng hội Địa chất Việt Nam, cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ông, nếu việc thấm nước không được xử lý dứt điểm thì các cấu kiện thép bên trong sẽ bị hoen rỉ, làm tăng thể tích và chèn hỏng bê tông xung quanh, làm giảm tuổi thọ công trình.
Cũng theo PGS.TS Đặng Hữu Diệp thì yếu tố nền địa chất yếu khu vực quận 2 cũng cần xem xét khi xác định nguyên nhân thấm, nứt hầm; từ đó mới xác định nguyên nhân chính xác và có giải pháp xử lý căn cơ.