Hàng không nhọc nhằn cất cánh

Hàng không nhọc nhằn cất cánh

Theo Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), đến nay đã có khoảng 30 hãng hàng không trên thế giới phá sản do ảnh hưởng của giá dầu mỏ leo thang từ hồi năm 2008.

Cú sốc đó chưa qua thì nay ngành hàng không toàn cầu lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế và dịch cúm A/H1N1. Các hãng hàng không tư nhân của VN, do ra đời vào đúng thời kỳ khó khăn này nên cất cánh thật nhọc nhằn!

“Đốt tiền” để chờ thời

Cục Hàng không VN cho biết giấy phép kinh doanh vận chuyển của hãng hàng không tư nhân VietJet Air (VJA) sẽ hết hạn ngày 20-12-2009, sau đúng 2 năm được cấp phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hãng chưa thông báo gì về việc chính thức bay.

VJA là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của VN, được cấp phép năm 2007. Trong đề án kinh doanh, hãng đã lên kế hoạch bay từ cuối năm 2008, trục bay Hà Nội – TPHCM – Đà Nẵng, sau đó vươn tới các chặng bay quốc tế ngắn như Bangkok, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc... nhưng lại lỡ cơ hội gia nhập thị trường do gặp cú sốc tăng giá nhiên liệu, tiếp đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hiện nay là dịch cúm A/H1N1.

Ông Võ Huy Cường, Trưởng Ban Vận tải Cục Hàng không VN, cho biết nếu không kịp bay trước khi giấy phép hết hạn, VJA sẽ phải xin cấp phép lại với thủ tục, điều kiện như lần đầu. Trước đó, hãng này phải chờ đúng một năm mới hoàn tất các thủ tục hành chính để được ra đời.

Ra đời muộn hơn VJA gần một năm nhưng hãng hàng không Indochina Airlines (ICA) của nhạc sĩ Hà Dũng lại trở thành hãng tư nhân đầu tiên tham gia thị trường. Bay được khoảng nửa năm thì hãng này gặp khó khăn lớn về tài chính, dù trong đề án kinh doanh đã xác định phải chịu lỗ trong 2 năm đầu. Tổng số nợ của ICA, trong đó nợ nhiều nhất là tiền nhiên liệu, hiện là 50 tỉ đồng.

Theo một chuyên gia trong ngành, trong lĩnh vực vận tải hàng không, vốn đầu tư bỏ ra rất lớn (vốn pháp định từ 200 tỉ đồng), lãi rất nhanh và lỗ cũng rất nhanh nên rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư trường vốn.

Có điều, họ phải tính toán kinh doanh vào thời điểm tốt nhất để không bị lỗ kéo dài dẫn đến cụt vốn. Còn nếu đã tham gia thị trường thì buộc phải chấp nhận “đốt tiền” để chờ cơ hội thu lãi.

Chưa thấy tín hiệu vui

Tình hình sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) 6 tháng đầu năm nay cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chỉ đạt 42% kế hoạch năm. Khách du lịch quốc tế giảm gần 12%, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 72,5% nhưng ở đường bay quốc tế chỉ đạt 36,5%.

Thị trường nội địa khả quan hơn và là doanh thu chủ yếu nhưng so với những năm trước, tốc độ tăng trưởng đã giảm mạnh. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JP) cho biết tăng trưởng vận tải được khoảng 30% nhưng cũng chỉ bằng khoảng một nửa mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, có giai đoạn JP chịu lỗ gần 1 tỉ đồng mỗi ngày.

Tình thế trên buộc các hãng hàng không phải có phương án kinh doanh phù hợp. VNA lập ra nhiều kịch bản khác nhau để có các giải pháp điều hành linh hoạt, thích ứng với diễn biến thị trường từng giai đoạn.

JP tạm ngừng khai thác hàng loạt đường bay hiệu quả thấp, ngừng mở đường bay mới để dồn sức cạnh tranh ở những đường bay có khả năng sinh lời cao.

Tiền thân là hãng hàng không Pacific Airlines, từ năm 2005, hãng đã chuẩn bị một phương án dự phòng là sáng tạo một thương hiệu mới VietAirways để tái cấu trúc toàn bộ hoạt động.

Giờ đây, thương hiệu VietAirways trở thành tài sản bỏ túi để sẵn sàng “ra riêng” nếu cuộc “hôn phối” với thương hiệu Jetstar của Tập đoàn Qantas (Úc) kết thúc sớm hơn thời hạn hợp đồng.

Điểm sáng hiếm hoi

Vấn đề của mỗi hãng hàng không là phải khai thác lợi nhuận tối đa từ mỗi máy bay, song đây là bài toán cực kỳ khó vì thị trường đang suy giảm nghiêm trọng. VNA đã tìm được cách tăng chuyến trên các đường bay đến Pháp, Đức và đang xin phép cơ quan chức năng bên Pháp nâng tần suất bay từ Hà Nội và TPHCM đi Paris lên gấp đôi, kể từ tháng 10 tới; đồng thời góp cổ phần vào hãng hàng không quốc gia Campuchia (sẽ bay từ tháng 8-2009). Đây là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh “ngành vận tải hàng không toàn cầu chỉ có thể cất cánh trở lại từ đầu năm 2011 với mức tăng trưởng khoảng 4%/năm” – theo dự báo của IATA.