Theo đó sẽ huy động tối đa các nguồn lực từ phía các doanh nghiệp (DN), kể cả DN tư nhân, để tham gia bình ổn giá. Các loại hàng hóa thuộc diện bình ổn giá lần này cũng rộng hơn, không còn bó hẹp trong một số mặt hàng thiết yếu như vẫn làm lâu nay khi vào dịp lễ, tết.
Ưu tiên nguồn hàng, mạng lưới phân phối
Lãnh đạo sở Công Thương TPHCM cho biết các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, sữa, thịt, trứng... sẽ thuộc diện ưu tiên bình ổn giá liên tục. Ngoài ra, các mặt hàng xi măng, sắt thép, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, cước vận tải, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y cũng được đưa vào danh sách bình ổn suốt năm.
Theo đề án, thực tế lượng gạo cung ứng cho TP không thiếu nhưng do không có nhiều kho chứa đạt quy chuẩn dự trữ và bảo quản dài hạn nên quy mô dự trữ của các DN trên địa bàn chưa bảo đảm ổn định. Hệ thống bán lẻ của các DN Nhà nước còn khá mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu khi xảy ra biến động. Còn giá cả mặt hàng đường thường không ổn định theo thời vụ. Giá dầu ăn cũng thường biến động do 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu ăn tại TP đến năm 2010 lên 55.772 tấn...
Đối với các mặt hàng thực phẩm như thịt, trứng..., nguồn cung từ các cơ sở chăn nuôi tại TP chỉ đáp ứng khoảng 27% nhu cầu thịt gia súc, số còn lại là nguồn hàng từ các địa phương khác. TP không khuyến khích chăn nuôi gia cầm nên nguồn cung thịt gia cầm, trứng tại chỗ rất hạn hẹp, chủ yếu mua bán từ các hộ chăn nuôi ở các địa phương nên khó kiểm soát và không chủ động được nguồn hàng, giá cả nên thường xảy ra biến động...
Vì vậy, theo bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM: Để bình ổn được giá các mặt hàng này, ngoài việc phải chủ động nguồn hàng, TP cần phải có hệ thống phân phối đủ mạnh đáp ứng tốt ngay cả khi thị trường có đột biến. Và không chỉ có các mặt hàng thực phẩm tham gia bình ổn mà các mặt hàng vật liệu xây dựng sắt thép, xi măng, xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón, muối, cước vận chuyển, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi cũng được TP kết hợp với các cơ quan Trung ương, DN Nhà nước để giải quyết vấn đề này.
Nhiều ưu đãi cho DN tham gia
Chủ trương của TP là từng bước hình thành các DN chủ lực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có khả năng điều tiết, dẫn dắt thị trường; phối hợp chặt chẽ với Trung ương quản lý việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Các DN tham gia bình ổn sẽ được vay vốn ngắn hạn với lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (nếu kinh doanh không có lãi còn được TP xem xét bù lỗ); được TP hỗ trợ phát triển mạng lưới bán lẻ, ưu tiên những vị trí thuận lợi tại 24 quận- huyện cũng như tại các địa phương khác...
Nhiệm vụ bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu được thực hiện ổn định cho cả năm nên từng mặt hàng phải được duy trì liên tục ở những tháng bình thường. Lượng dự trữ hàng sẽ được tăng thêm từ 20%- 30% vào những dịp lễ, tết... Trong điều kiện bình thường, các DN tự quyết định mức giá bán theo cơ chế thị trường, quy luật cung cầu. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng có quyền can thiệp nếu xét thấy có dấu hiệu bất hợp lý. Khi thị trường có biến động, các DN phải bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10%...
Điều kiện để DN tham gia bình ổn giá
Tất cả các DN đều có quyền tham gia nếu đáp ứng được một số điều kiện: DN phải do TP quản lý, có phương án tạo nguồn hàng thiết yếu. Cam kết bảo đảm chất lượng hàng hóa, mức giá bán, lượng hàng cung ứng, giá cả theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Hoàn trả nợ gốc, lãi vay, mức phí liên quan đúng hạn trong các lần tham gia. Trách nhiệm của DN là phải bán thấp hơn giá thị trường 10% trong vòng ít nhất 30 ngày khi có biến động bất thường về giá; trích 5% lợi nhuận sau thuế để góp vào quỹ bình ổn của TP. DN còn phải tổ chức tốt khâu phân phối đến các kênh bán lẻ khắp TP, cũng như bán hàng lưu động tại các vùng sâu, vùng xa, KCX-KCN, ký túc xá...