Hậu suy thoái và những vấn đề nảy sinh
Thế giới đang biến đổi, khác nhiều so với trước khủng hoảng. Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương CIEM: Thế giới ra sao sau khủng hoảng?
Thế giới sau khủng hoảng sẽ khác nhiều so với thế giới trước khủng hoảng. Bối cảnh quốc tế đối với phát triển của đất nước cũng sẽ thay đổi lớn và khác nhiều so với 2008 trở về trước, những yếu tố Việt Nam không thể kiểm soát được.
Bảo hộ có thể gia tăng. Cán cân sức mạnh giữa các khối, các cường quốc, các thị trường chủ yếu sẽ thay đổi. Thị trường tài chính sẽ bị điều tiết nhiều hơn, mạnh hơn: không còn, hoặc hạn chế “thị trường phái sinh hoang dã”, tín dụng nhà ở dưới chuẩn không còn? tín dụng nhà ở sẽ bị quản lý? Đòn bẩy tài chính của các tổ chức tài chính bị kiểm soát?
Không còn bong bóng như trước khủng hoảng, dẫn tới thu nhập giảm, chi tiêu giảm, xu hướng tiết kiệm gia tăng, làm cho cơ cấu tiêu dùng thay đổi. Cầu và cơ cấu cầu hàng hoá, dịch vụ trên các thị trường cũng thay đổi they hướng suy giảm. Vốn đầu tư khan hiếm hơn, thận trọng hơn.
Chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào xuất khẩu, dựa vào đầu tư nước ngoài không còn phù hợp, thay vào đó có thể là chiến lược phát triển cân bằng hơn.
Nhận biết được những chuyển biến của thế giới, đồng thời Việt Nam phải nhìn thẳng vào những yếu kém của mình, không che đậy, lảng tránh.
TS. Trần Du Lịch - Thành viên UBKT của Quốc hội: Nguy cơ đình lạm?
Quan sát các chỉ báo thị trường chứng khoán thế giới, tôi thấy, điểm Index thấp nhất của 50 công ty hàng đầu là vào ngày 19/3, từ đó tới giờ, có dao động nhưng không đáy mới. Có lẽ, thế giới đã thiết lập đáy của khủng hoảng, vấn đề chỉ còn là kéo dài bao lâu và sẽ tiếp diễn như thế nào...
Với Việt Nam, chúng ta phải đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong xử lý những khó khăn kinh tế thời gian qua. Chưa bao giờ kinh tế vĩ mô của ta thay đổi 180 độ, buộc chính sách xoay chuyển liên tục như hai năm qua. Nền kinh tế hai lần thay đổi mục tiêu hoàn toàn: năm 2008, từ hồ hởi chạy theo tăng trưởng sang chống lạm phát, thiết chặt tín dụng. Nó giống như việc uống kháng sinh liều mạnh. Chỉ vài tháng, lạm phát vừa có dấu hiệu giảm thì suy thoái kinh tế thế giới ập đến, Việt Nam đối mặt với tình trạng giảm suy. Chúng ta lại chuyển chính sách từ siết chặt sang kích cầu, ưu tiên chống nguy cơ suy giảm kinh tế.
Hai lần điều chỉnh này giống như các cơn bão quét, nền kinh tế, DN xơ xác là bình thường. Chính phủ hỗ trợ DN thời gian qua thực chất là "trả nợ" cho DN, cho những điều chỉnh chính sách mà Chính phủ đã làm.
Hiện nay, Việt Nam cần lưu ý 3 cảnh báo lớn:
Thứ nhất, cần cẩn trọng với không phải là tái lạm phát, mà là trì lạm - stagflation. Vì nguy cơ sức mua thị trường không tăng nhưng chi phí sẽ đẩy. TPHCM, Đồng Nai, lao động cho nghỉ việc, bây giờ lương quá thấp, không lấy lại được công nhân. Người lao động thà về quê lăn lộn còn hơn là làm công nhân lương thấp. Khi chi phí đẩy, nguy cơ trì lạm xảy ra. Nếu làm không khéo, chúng ta sẽ thấy tình trạng này ở quý III. Khi đó, tình trạng còn nguy hiểm hơn là năm 2008.
Hai là mối lo về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hấp thụ không phải là xài bậy. Khi nền kinh tế không hiệu quả, lại rót ra tiền vốn lớn, thì nguy cơ lớn hơn. Nguy cơ ngân sách chuyển nguồn tiếp tục tăng lên. Chúng ta không phải thiếu tiền, mà không thấp thụ được.
Ba là việc Việt Nam phải điều hành tỉ giá như thế nào. Nếu không cẩn thận, với chính sách tỷ giá, chúng ta sẽ khiến nhà đầu tư không triển khai mà chỉ chuyển nhượng dự án, đợi năm sau hưởng lãi kép mà Việt Nam chẳng được hưởng lợi gì từ đầu tư.
TS. Phạm Minh Trí - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý, Đại biểu HĐND TP.HCM: Vấn đề nảy sinh hậu suy thoái
Sau khủng hoảng, về những thách thức, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là hai nguy cơ: lạm phát trở lại và suy giảm mới sau thời kỳ phục hồi yếu ớt nếu chúng ta không kiểm soát được các cân đối vĩ mô và hạn chế đươc những tác động bất lợi từ bên ngoài.
Về mặt điều hành, quản lý vĩ mô cần đặc biệt quan tâm đến hai nguy cơ này và có giải pháp, quyết sách ngăn ngừa để không xảy ra tình huống đó.
Về mặt tư duy chiến lược cải cách, mạnh dạn từ bỏ tư duy phát triển chạy theo tốc độ tăng trưởng đơn thuần mà sao nhãng mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh - xã hội, phát triển bền vững nhằm đạt mục tiêu tổng hợp là phát triển hiệu quả, chất lượng, phát triển bền vững, hiện đại hóa nền kinh tế theo xu hướng kinh tế tri thức.
Chúng ta đã chạy theo tốc độ tăng trưởng trong một thời gian dài, gần bằng cả quá trình đổi mới. Có lẽ, đã đến lúc phải đoạn tuyệt với đường mòn này và cải cách sâu rộng nền kinh tế theo cách khác: hiệu quả chất lượng với tầm nhìn dài hạn, nhìn xa trông rộng, không chỉ giới hạn tốc độ tăng trưởng GDP bao nhiêu phần trăm.
Những con số thu nhập bình quân bao nhiêu đô-la, vì những con số đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không bảo vệ được môi trường, bảo đảm an sinh - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Giải pháp, quyết sách khắc phục những khuyết tật, yếu kém vốn có và kéo dài thành mãn tính của nền kinh tế, nhất là những nhược điểm của ngành ngoại thương mang nặng tính gia công, chế biến thấp trong sản phẩm xuất khẩu.
Nền nông nghiệp được cởi trói mấy mươi năm nay, nhưng không tiến lên được bao nhiêu hơn mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu gạo và một số nông sản ở dạng nguyên liệu thô, một nền công nghiệp hãy còn khá xa vời với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chúng ta cũng chưa thành công trong việc nhận chuyển giao công nghệ hiện đại của thế giới thông qua đầu tư, mua sắm, hội nhập kinh tế quốc tế.
Nói gọn lại, nền kinh tế của chúng ta hiện nay vẫn còn mang trong mình nó nguyên vẹn những nhược điểm, khuyết tật, chưa khai thác và phát huy tiềm năng của nền nông nghiệp nhiệt đới, nông nghiệp ”xanh“, lợi thế và tiềm năng của kinh tế biển của một quốc gia có hơn 3000 km bờ biển.
Do đó, trong giai đoạn trung và dài hạn hậu suy thoái giải pháp, chính sách quản lý vĩ mô không thể không bao quát các vấn đề trên nhằm khắc phục cho được những nhược điểm, khuyết tật vốn có của nền kinh tế, khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng có được để phát triển mạnh mẽ, dài hơi, hoàn toàn không phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng.như trong thời gian qua.
Trong bối cảnh hậu suy thoái trên phạm vi thế giới cạnh tranh không hề suy giảm mà càng trở nên khốc liệt hơn, vì thế trong giải pháp, chính sách trong giai đoạn trung và dài hạn không thể không tính đên một cách nghiêm túc việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, bao gồm nâng cao năng lực canh tranh của sản phẩm, DN và của nền kinh tế nói chung.