Hệ thống xúc tiến thương mại: "Đãi cát tìm vàng"
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hệ thống xúc tiến thương mại trên toàn quốc đã được thiết lập và bắt đầu có sự kết nối hoạt động từ trung ương đến địa phương, trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của công tác xúc tiến thương mại vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra.
Nhiều bất cập khi xác định mục tiêu
Bộ Công Thương cho biết, hàng năm ngân sách trung ương và địa phương bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho các kế hoạch xúc tiến thương mại của các ngành hàng, hiệp hội.
Song thực tế cho thấy, việc đầu tư ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn có những bất cập.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc tìm kiếm và mở rộng thị trường là rất cần thiết, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU… rất khó tiếp cận, các doanh nghiệp thép của Việt Nam lại mới chỉ tiếp cận những thị trường này không lâu.
Ông khẳng định, Hiệp hội rất "mù mờ" về thông tin, nếu không được tăng cường tiếp cận những thị trường khó tính này. "Đừng nghĩ cứ đi xúc tiến thương mại là đi chơi. Nếu không có mục tiêu cụ thể sẽ không bao giờ có thể tiếp cận được các thị trường lớn," ông Cường nói.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được xem là động thái tích cực và thiết thực nhất trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm đầu ra cho hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phổ biến qui định này còn chậm, nên doanh nghiệp không nắm bắt được tình hình.
"Thủ tục hành chính nhà nước trải qua nhiều khâu thẩm định đã làm mất đi một thời cơ và nếu bây giờ nếu có làm tích cực thì cũng không vớt vát được bao nhiêu," ông Ân nói.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Trương Thanh Phong cho biết, việc nghiên cứu các thị trường mới sẽ tốn rất nhiều công sức, nếu không được quan tâm đầy đủ sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Theo ông Nguyễn Thắng Hải, Cục trưởng cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xem xét các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại của địa phương có hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
Việc triển khai các chương trình riêng lẻ của từng Hiệp hội, ngành hàng cần hướng vào chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, những vấn đề là thế mạnh của vùng.
"Chương trình xúc tiến thương mại hiện nay, phải khẳng định là không thiếu kinh phí để triển khai mà chỉ thiếu các chương trình có hiệu quả,” ông Hải nhấn mạnh.
Phát huy thế mạnh, tìm đầu ra cho sản phẩm
Doanh nghiệp làm ra sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng nếu như không đến được tay người tiêu dùng thì doanh nghiệp đó không thể nâng cao tính cạnh tranh được. Muốn sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thì phải làm tốt công tác xúc tiến thương mại.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, cần phải coi xúc tiến thương mại là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh. Để làm được điều đó, trước hết phải thể chế hóa lại hệ thống xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương, nhằm đảm bảo tính liên kết sâu hơn, tính chỉ đạo cao hơn, thông suốt với nhau hơn.
Quyết định số 80/2009/QĐ-TTg ngày 21/5/2009 về chương trình xúc tiến thương mại sẽ thực hiện theo hướng kiểm định chặt chẽ việc đáp ứng các tiêu chí chương trình trong hồ sơ đề án.
Mục đích quan trọng nhất là các chương trình xúc tiến thương mại được nâng lên về mặt chất lượng, từ đó, trách nhiệm của doanh nghiệp được hưởng nguồn ngân sách trong chương trình cũng được tăng theo.
Tuy nhiên, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lại đưa ra nhận định: Để làm tốt công tác xúc tiến thương mại, nhà nước không việc gì phải bỏ tiền ra mà cần tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp tự xúc tiến, như vậy sẽ có hiệu quả hơn.
Đánh giá công tác xúc tiến thương mại thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, các Hiệp hội lâu nay liên kết với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, nên sẽ rất khó khăn để chen chân vào các chương trình xúc tiến thương mại.
"Các Hiệp hội và doanh nghiệp nên có sự liên kết, phối hợp trong vùng, địa phương và khu vực để tìm đầu ra. Ngoài việc xúc tiến thương mại, cần phối kết hợp với công tác đầu tư, thương mại và du lịch," Thứ trưởng Biên nhấn mạnh.