Hôm nay, hàng loạt quyết định quan trọng có hiệu lực
Quy định về an ninh hàng không dân dụng
Kể từ ngày 1/8/2012, người khai thác cảng hàng không, sân bay cấp thẻ kiểm soát an ninh hàng không dân dụng, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không dân dụng có giá trị vào các cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của người khai thác cảng cho cán bộ, nhân viên và phương tiện, thiết bị thuộc quyền quản lý, sử dụng của người khai thác.
Đó là một trong những nội dung chính của Nghị định số 51/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2010/NĐ-CP ngày 14/7/20101 của Chính phủ về an ninh hàng không dân dụng.
Cũng theo Nghị định này, việc cấp thẻ kiểm soát an ninh hàng không dân dụng có giá trị vào các cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của từ 2 cảng vụ khu vực khác nhau trở lên thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam thống nhất với cơ quan liên quan về việc cấp và sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không dân dụng cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý Nhà nước khác tại cảng hàng không, sân bay.
Ngày 4/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg quy định một số chế độ ưu đãi đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo đó, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trực tiếp tham gia diễn tập, huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn trên biển được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đi biển với mức 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển.
Cũng theo Quyết định này, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam công tác lâu năm ở hải đảo hàng tháng được hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo tính theo hệ số so với mức lương tối thiểu chung và thời gian thực tế công tác ở đảo xa.
Thời gian công tác để tính hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo đối với các đối tượng nêu trên là tổng thời gian công tác thực tế ở các đảo, nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2012.
5 ngân hàng được phép cho vay hỗ trợ lãi suất đối với nông, thủy sản
Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư số 22/2012/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Theo đó, có 5 ngân hàng được thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.
Các ngân hàng nêu trên được áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2012.
Quy định về đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay
Chính phủ ban hành Nghị định 50/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng, trong đó bổ sung quy định về đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay và cung cấp thông tin về cầm cố, thế chấp tàu bay.
Theo quy định tại Nghị định này, người đề nghị đăng ký quyền sở hữu tàu bay không cần phải trình biên lai hoặc giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí đăng ký như trước đây mà chỉ cần nộp: Đơn đề nghị đăng ký quyền sở hữu tàu bay theo mẫu; bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay Việt Nam; giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký và các giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu tàu bay. Trường hợp chuyển quyền sở hữu phải có thêm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của chủ sở hữu cũ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2012.
Công ty chứng khoán được tham gia đấu thầu tín phiếu
Ngày 28/6/2012, Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 106/TTLT-BTC-NHNN về hướng dẫn phát hành tín phiếu Kho bạc Nhà nước qua Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, đối tượng tham gia đấu thầu ngoài các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, thì tại Thông tư liên tịch số 106 bổ sung thêm công ty chứng khoán.
Ngoài quy định về phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Thông tư liên tịch số 106 bổ sung quy định về phương thức bán trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 106, sau khi kết thúc phiên đấu thầu, ngoài gửi kết quả đấu thầu cho Kho bạc Nhà nước và thành viên tham gia đấu thầu, Sở Giao dịch gửi kết quả cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Phí tổ chức đấu thầu Bộ Tài Chính trả cho Ngân hàng Nhà nước theo tỷ lệ 0,01% trên giá trị tín phiếu trúng thầu (tỷ lệ này trước đây là 0,05%).
Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2012.