Hơn 12,85 tỷ USD đầu tư vào Hải Phòng

Hơn 274.218 tỷ đồng, tương đương với hơn 12,85 tỷ USD đã được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ký cam kết thực hiện. Các dự án này chủ yếu trong các lĩnh vực như: phát triển hệ thống giao thông, đầu tư xây dựng các khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao…
 
Trong lĩnh vực bất động sản nghĩ dưỡng, du lịch phải kể đến đầu tiên là dự án án đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và vui chơi giải trí đảo Cát Bà, với tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn SunGroup. Sau cam kết đầu tư được ký với UBND Hải Phòng, dự án này được thực hiện thì đây sẽ là dự án đầu tiên mà tập đoàn SunGroup thực hiện tại Hải Phòng.
 
Tiếp đó, Tập đoàn FLC cũng là cái tên mới được nêu tại hội nghị với cam kết thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu và Khu hậu cần Du lịch nghỉ dưỡng Hòn Dấu. Quy mô thực hiện của dự án là 100ha tại Khu du lịch Đồ Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 4,983 nghìn tỷ đồng. Còn Tập đoàn Tokyo LLC đến từ Nhật bản thì cam kết thực hiện dự án xây dựng sân golf 18 lỗ có tên “Hai Phong Sakura Golf Club” và khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp rộng 22 ha tại Núi Voi, huyện An Lão. Dự án này có tổng mức đầu tư là 72 triệu USD.
 
Nối tiếp nhà đầu tư FDI  này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chuo Việt Nam (Nhật Bản) cũng  đã cam kết thực hiện dự án xây dựng Tòa tháp đôi khách sạn 5 sao với quy mô vốn khoảng 60 triệu USD. Còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phong Việt Nam và Công ty ACG Holding của Singapore cam kết về hợp tác xây dựng khách sạn 5 sao và khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại quốc tế, tổng vốn đầu tư 240 triệu USD.
 
Hạ tầng giao thông tiếp tục là một lĩnh vực hút nguồn vốn đầu tư khủng tại Hải Phòng. Trong đó, phải để đến Vingroup với biên bản ghi nhớ về mong muốn nghiên cứu đầu tư dự án phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Cũng liên quan đến đầu tư hạ tầng cảng biển, Công ty Cổ phần Gemadept thì cam kết đầu tư và khai thác sử dụng 07 cầu cảng tại Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ, với quy mô xây dựng từ 6 đến 7 bến cầu tàu dành cho tàu từ 20.000 đến 30.000 DWT. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
 
Tập đoàn Phúc Lộc thì cam kết đầu tư xây dựng một loạt dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, đó là dự án xây dựng Cầu Tiên Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu;  dự án xây dựng cầu Lại Xuân và đường dẫn 2 đầu cầu, mở rộng đường 352; dự án xây dựng cầu Đá Bạc và cải tạo nâng cấp QL10 đoạn Quán Toan - Bí Chợ; dự án đường nối Quốc lộ 5 - Quốc lộ 10 từ trung tâm thành phố đến đường cao tốc;  dự án đường nối Quốc lộ 10 đến nhà máy Xi măng Vicem Hải Phòng.
 
Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) cũng đã cam kết đầu tư khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng để xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua thành phố Hải Phòng có chiều dài 29,54 km...
 
Liên quan đến việc đầu tư phát triển hạ tầng KCN, Tập đoàn Rent A Port (Bỉ) đã cam kết thực hiện dự án tổ hợp các Khu công nghiệp Deep C (Deep C2 và Deep C3) trong Khu kinh tế Đình Vũ với tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD. Công ty Cổ phần Phát triển Khu đô thị Kinh Bắc thì cam kết xây dựng và phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3, có tổng số vốn đầu tư là 4,5 nghìn tỷ đồng.
 
Nhiều dự án khác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (Vingroup), xây dựng hạ tầng đô thị (Tập đoàn Xuân Thành), dự án công nghiệp công nghệ cao(Tập đoàn Đầu tư Mckinley Hàn Quốc)... cũng được các nhà đầu tư cam kết thực hiện với thành phố Hải Phòng.
 
Với kết quả này, phải khẳng định rằng Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng đã thành công trên cả mong đợi. Hơn 12,85 tỷ USD cam kết đầu tư vào thành phố Hải Phòng ngay tại hội nghị này đã tiếp tục khẳng định Hải Phòng là địa chỉ “đỏ” trong thu hút đầu tư và Hải Phòng đang sẵn sàng đón làn sóng đầu tư lớn.