HoREA: Tín dụng đổ mạnh vào bất động sản TPHCM

Báo cáo của hiệp hội này cho biết, nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 2,6% với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố. Lưu ý, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp này không chỉ riêng tại TPHCM mà lan sang cả các địa phương khác, chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam.
 
Đáng quan tâm hơn, dư nợ vay tiêu dùng toàn thành phố (với lãi suất khoảng 10%/năm, được tín chấp, hoặc có tài sản bảo đảm) cuối tháng 12-2016 vào khoảng 202.000 tỉ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ. Trong số này đã có đến khoảng 38% (tương đương hơn 70.000 tỉ đồng) cho vay để xây nhà, sửa chữa nhà. Khoản vay này cũng cần được giám sát chặt chẽ để sử dụng đúng mục đích, vì người vay có thể chuyển tiền vay qua đầu tư bất động sản.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11-2016 trên cả nước đạt khoảng 14,57%, trong đó tăng trưởng tín dụng tiền đồng lên đến 15,81%. Riêng tại TPHCM, dư nợ tín dụng đạt 1.374 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 16,4% và chiếm tỷ trọng cao nhất nước. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 3,79%, nếu loại trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu) thì nợ xấu tín dụng trên địa bàn TPHCM là 2,03%.
 
Dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản phía Nam có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM.
 
Có mấy cơ sở để dự báo điều này.
 
Thứ nhất, nguồn vốn xã hội được huy động vào thị trường bất động sản rất lớn và tăng mạnh trong những năm gần đây. Các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cường đầu tư vào thị trường bất động sản thông qua các phương thức mua lại cổ phần, hợp tác đầu tư trên từng dự án, cho vay đầu tư. Trong các năm qua, thị trường bất động sản thường nằm trong top 3 hấp thụ nguồn vốn FDI của cả nước.
 
Thứ hai, lượng kiều hối hàng năm rất lớn, khoảng 10-13 tỉ đô la Mỹ/năm. Riêng TPHCM có khả năng đạt được 5,7 tỉ đô la Mỹ kiều hối trong năm 2016, trong đó có khoảng 21% được đầu tư vào bất động sản.
 
Tuy nhiên, HoREA cũng cho rằng đã có hiện tượng lệch pha trên thị trường, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn nhưng có xu hướng lệch về một số doanh nghiệp lớn và đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (dòng tiền đầu cơ).
 
Nhìn tổng thể, với hiện tượng tín dụng bất động sản tăng mạnh như trên, những người quan sát thị trường tỏ ra nghi ngại khi HoREA cho rằng khó có bong bóng bất động sản vào năm tới.