J-Power muốn đầu tư siêu dự án nhiệt điện than quy mô 4.400 MW tại Quảng Ngãi

Công ty Phát triển điện lực J - Power (Nhật Bản) vừa chính thức đề xuất lên các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ý tưởng thực hiện dự án nhiệt điện tại Khu kinh tế Dung Quất.

 
Theo ông JAHANA Takashi, Giám đốc Ban Kinh doanh - Phát triển điện quốc tế của J-Power, sau một thời
gian khảo sát sơ bộ, Công ty mong muốn tỉnh Quảng Ngãi cho phép thực hiện các cuộc khảo sát, nghiên cứu để lập báo cáo tiền khả thi đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Khu kinh tế Dung Quất.​
 
Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ siêu tới hạn, với công suất lên đến 2.400 MW, thời gian vận hành thương mại dự kiến là năm 2028.
 
Giai đoạn II, J-Power sẽ xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ chu trình hỗn hợp khí hóa than phát điện (IGCC), với công suất lắp máy 2.000 MW; thời gian vận hành thương mại từ năm 2030.
 
Thông tin từ J-Power thì Công ty sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu từ Úc, Nga, Indonesia... hoặc trong nước để thực hiện việc phát điện nhà máy.
 
Vì là dự án nhiệt than nên J-Power cam kết, sẽ áp dụng tất cả các biện pháp tối ưu nhất để bảo vệ môi trường, bao gồm cả các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, khói, bụi, tiếng ồn…
Với quy mô đầu tư lớn như vậy, đây sẽ là dự án có quy mô hàng tỷ USD. Thông thường, ở các dự án điện BOT hiện nay, một dự án có công suất khoảng 1.200 MW đã có vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD.
 
Làm việc với J-Power, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu nhà đầu tư đề xuất cụ thể việc cần diện tích sử dụng đất ra sao, ranh giới thực hiện dự án, cũng như tổng vốn đầu tư, số lượng lao động, cam kết bảo vệ môi trường…
 
Khi có đầy đủ các thông tin trên, Quảng Ngãi sẽ chấp thuận cho J-Power được khảo sát, nghiên cứu để lập báo cáo tiền khả thi đầu tư xây dựng nhà máy này ở Dung Quất.
 
J-Power trong thời gian qua đã tới Quảng Ngãi nhiều lần để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây. Tại Quảng Ngãi, trước đây Tập đoàn Sembcorp (Singapore) cũng đã đề xuất xây dựng một dự án nhiệt điện. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch địa điểm trung tâm khí điện miền Trung, với quy mô 4 nhà máy điện khí ở Quảng Nam và Quảng Ngãi để tận dụng dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh, thì Sembcorp cũng đã chuyển hướng sang đầu tư dự án điện khí.