KCN xanh: Hay nhưng chưa thể làm ngay
Song tại Việt Nam, việc xây dựng/chuyển đổi này chưa thể làm ngay được vì nhiều vướng mắc, cho dù các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận sự ưu việt của khu công nghiệp sinh thái.
Tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển khu công nghệ và ươm tạo phục hồi tài nguyên dựa vào nguồn tài chính quốc tế” do Phòng Hợp tác quốc tế thuộc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) phối hợp Quỹ Năng suất xanh Đài Loan (TGPF) tổ chức tại TPHMC ngày 3-11, các chuyên gia đã bàn sâu về việc triển khai các mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam và cách thức tiếp cận nguồn vốn.
Trong tham luận “Kinh nghiệm thành công của các khu công nghiệp sinh thái tại Đài Loan", bà Liao Yi-Fan, kỹ sư Quỹ năng suất xanh Đài Loan, đưa ra hai mô hình về xử lý môi trường: đầu tư ngay từ đầu các khu công nghiệp (KCN) hoàn toàn mới theo tiêu chí KCN xanh (EIP) và hoán cải KCN truyền thống (IP) sang KCN sinh thái.
Ở mô hình thứ 2, hiểu đơn giản, trong EIP, nguồn thải của doanh nghiệp này sẽ được thương mại hóa để trở thành đầu vào nguyên liệu của doanh nghiệp khác. Như vậy, dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ.
Bà Liao dẫn trường hợp cụ thể về thành công của KCN Lin Hai ở phía nam Đài Loan. Bằng việc áp dụng mô hình EIP, KCN này đã giảm khí thải CO2 ở mức 123 kton/năm, nâng tỷ lệ tái chế từ 84,4% lên 87,6%, tái sử dụng hơi nước từ 5,1% lên 8,6%, tổng lượng lưu hành nguyên vật liệu và chất thải được tận dụng lại trong KCN này là 428.000 tấn/năm, hiệu quả về mặt kinh tế 27,8 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Hiệu quả từ mô hình này gây băn khoăn cho GS. Trần Minh Chí, nguyên Viện trưởng Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường. Theo ông Chí, vấn đề khó là tại Việt Nam, Ban quản lý KCN chỉ cho thuê mặt bằng chứ không được quyền can thiệp vào quyết định đầu tư tái chế của doanh nghiệp. Để kết nối dòng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp phải đầu tư lại toàn bộ hạ tầng, đường dẫn... gây tốn kém chi phí.
Chưa kể ở Việt Nam, một số chất thải nguy hại có thể sử dụng được nhưng không được xử lý tại chỗ mà phải chuyên chở đến một nơi phù hợp, có giấy phép.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng, Phó Tổng biên tập báo Công thương, đề nghị SMEDEC 2 nên tổ chức thêm những chuyến đi thực tế để phái đoàn Đài Loan nắm bắt cụ thể hơn tình hình KCN tại Việt Nam ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trên cơ sở đó, họ sẽ có đề xuất phù hợp để đưa mô hình từ IP đến EIP như thế nào.
“Các mô hình này là hay rồi. Nhưng ở góc độ truyền thông, việc áp dụng cần phải có thời gian để tuyên truyền cho các doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa, mục đích, để sớm đưa những mô hình này vào thực tế,” ông Hoàng chia sẻ.
Cần thay đổi nhận thức trong sân chơi chung
Trong tham luận “Cơ chế hỗ trợ thay đổi khí hậu quốc tế và xây dựng năng lực,” GS. Chien-Te Fan, Đại học quốc gia Thanh Hoa Đài Loan, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc hướng đến tăng trưởng xanh.
GS. Fan cho biết Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện đang tập trung nhiều cho các hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu. Năm 2014, những lĩnh vực liên quan đến môi trường chiếm khoảng 29% ngân sách của ADB. Với các dự án do chính phủ đi vay hoặc các dự án được chính phủ ưu tiên thì ADB có thể hỗ trợ những khoản vay lãi suất thấp, khoảng 0,5%.
Ngoài ra, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu cũng có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp qua các chương trình hành động.
Tại Việt Nam, GS. Fan đề xuất ý tưởng phát triển một Công viên khoa học công nghệ môi trường trên cơ sở tập trung sáu ngành công nghiệp liên quan tới năng lượng tái tạo, kỹ thuật cao. “Cùng với nhau, chúng ta có thể tạo nên những đề xuất, dự án tốt để tiếp cận các nguồn quỹ quốc tế và dùng nó để phát triển công viên công nghệ khoa học môi trường.”
Đánh giá cao thiện chí hỗ trợ của đối tác Đài Loan, ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho rằng vấn đề dự án tốt phải dựa trên nền tảng công nghệ cao và Đài Loan có thể giúp xây dựng được dự án như thế. “Nhưng để làm được việc này phải có sự nỗ lực chung của mọi người từ nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp kể cả Ban quản lý KCN với tư cách là nhà đầu tư,” ông Hải nói.
Theo ông Hải, bài toán kinh tế của dự án khi vẽ ra phải khiến tất cả các bên đều cảm thấy có lợi ích. Nhà nước cũng có cái lợi phục vụ cho mục tiêu phát triển cộng đồng. Các bên liên quan cùng hỗ trợ nhau trong tổng thể, cùng bỏ tiền ra để thu lại lợi nhuận. Nếu hay thì tất cả cùng chơi. Chứ một nhà máy riêng lẻ thì không thể nào làm được.
Nhưng cá nhân ông cũng nhìn nhận, việc thay đổi nhận thức phát triển công nghiệp xanh là cần thiết nhưng không thể thay đổi một sớm một chiều.
GS.Fan hứa đi thăm các khu công nghiệp ở Việt Nam và đồng thời mong muốn phía Việt Nam tổ chức đi thăm thực tế các KCN xanh ở Đài Loan để tìm hiểu cách thức mà Đài Loan hỗ trợ các doanh nghiệp của họ, và tham quan trực tiếp tại các các KCN xanh để xem cách họ hoạt động.
Trả lời câu hỏi về khó khăn, thuận lợi khi đầu tư vào lĩnh vực tái chế chất thải điện-điện tử tại TPHMC, GS. Trần Minh Chí cho biết có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.
Ưu điểm: ở Việt Nam nói chung và TPHCM, nói riêng nguồn chất thải trong lĩnh vực điện-điện tử đều được thu gom hết vì tâm lý không bỏ phí thứ gì. Từ đó hình thành được một đội ngũ thu gom đông đảo. Họ cố gắng phân loại, cái gì dùng được ngay thì dùng luôn, không dùng ngay được thì sửa, không sửa hoặc bán ve chai được nữa mới bỏ đi. Do đó, chất thải trong lĩnh vực này chưa ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường.
Nhược điểm: Việt Nam còn thiếu công nghệ cao trong tái chế chất thải điện-điện tử, nên không thu hồi hết nguồn kim loại quý, gây lãng phí tài nguyên. Vai trò quản lý nhà nước chưa tốt ở một số khu vực, và chưa có nguồn lực nào đủ lớn để đầu tư ở quy mô lớn về thu gom, tái chế. Tính kết nối với các dự án quốc tế là chưa có.
Dự kiến đến năm 2020, tại TPHCM, số lượng máy vi tính thải khoảng 207.000-321.000 cái/năm (2.000 đến 3.200 tấn/năm), số lượng điện thoại di động thải khoảng 1,05 đến 1,63 triệu chiếc/năm ( 92 – 142 tấn), số lượng tivi thải khoảng 322.400 – 500.200 cái/năm (4.830 – 7.500 tấn/năm). So sánh với các quốc gia được tham khảo, lượng chất thải điện – điện tử ở TPHCM nằm ở mức phát thải trung bình.