Khách hàng hờ hững với gói cước siêu rẻ của Beeline
Theo khảo sát, nhân tố quan trọng đầu tiên khiến cho Beeline chưa được "phủ sóng" tại khắp các điểm bán là do chịu tác động từ doanh nghiệp đi trước… HT Mobile.
Mạng di động tiền thân của doanh nghiệp thứ 6 - Vietnamobile - 092 ra đời rầm rộ nhưng chưa tạo được bước đột phá như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Anh Hùng - một chủ đại lý sim thẻ trên phố Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết cửa hàng của anh không dám mạnh tay nhập sim Beeline vì trước đó sim Vietnamobile (một mạng có chính sách cước giống Beeline) đã không thu hút được sự chú ý của khách hàng. Lượng sim còn tồn trong kho khá nhiều.
Một số đại lý khác thì tiết lộ sở dĩ họ "ngại" bán sim Beeline là vì người tiêu dùng đã quá quen thuộc với các thương hiệu lớn như VinaPhone, MobiFone, Viettel. Một yếu tố khá quan trọng nữa là thẻ sim của 3 mạng di động đại gia có tài khoản lớn hơn sim mà Beeline cung cấp.
Cụ thể, với bộ kit trả trước mệnh giá 65.000 đồng, thì VinaPhone có tài khoản lên tới 130.000 đồng trong khi giá bán chỉ có 50.000 đồng, MobiFone có tài khoản 120.000 đồng, giá cũng chỉ 50.000 đồng. Viettel thì tài khoản 120.000 đồng, giá 55.000 đồng. Trong khi đó, sim của Beeline có giá dao động từ 50.000-55.000 đồng cho tài khoản 120.000 đồng.
Theo giải thích của các chủ đại lý sim thẻ, việc bán sim các mạng lớn như VinaPhone, MobiFone, Viettel với giá thấp hơn nhiều mệnh giá và tài khoản còn lớn hơn cả tài khoản khuyến mại là do các đại lý chấp nhận lãi ít để bán được nhiều.
Chủ một cửa hàng trên đường Kim Mã (Hà Nội) cho hay khi đại lý được hưởng chiết khấu bằng tài khoản, đại lý cũng "bắn" luôn vào tài khoản cho khách hàng để bán cho dễ. Đại lý này giải thích: "Mua, bán sim với số lượng lớn thì mới làm thế được, còn với sim bán được ít như Beeline và Vietnamobile thì làm thế là lỗ ngay".
Với việc tài khoản khuyến mại của mạng lớn hầu hết là lớn hơn, giá mua sim thì bằng hoặc rẻ hơn, cộng với việc các thẻ nạp tiền tiếp theo đều được tặng 100% giá trị thẻ nạp, chính các đại lý là người khuyên người dùng nên mua sim của các mạng lớn chứ không phải là gói Big Zero "giá trị vô địch". Kể từ đầu tháng 8, khi tài khoản khuyến mại còn tăng thêm 20.000 đồng cho mỗi sim trả trước thì chưa rõ tình hình sẽ ra sao.
Lý giải về nguyên nhân khiến "giá trị vô địch" của Big Zero (Beeline) chưa được đón nhận nồng nhiệt dù được quảng cáo rất mạnh, anh Huy, Đại lý sim thẻ ở 109A1 Giảng Võ, Hà Nội bổ sung: “Beeline có cước gọi đúng là rẻ, nhưng có nhiều khách mua sim phàn nàn chất lượng sóng kém, hay lỗi mạng… nên không được nhiều người ưa chuộng”.
Trên thực tế, thông tin từ chính Beeline cho biết, tính đến cuối tháng 7, Beeline mới hoàn tất việc phủ sóng 90% khu vực tại Hà Nội và TP HCM. Bên cạnh đó, mạng di động này vừa mới hoàn tất việc cải thiện chất lượng sóng ở một số quận trọng điểm trong nội thành Hà Nội và TP HCM.
Theo tin từ Beeline, đến cuối tháng 7.2009, ngoài việc phủ sóng ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, "tân binh" này đã phủ sóng 83% khu vực tại Bình Dương và 74% khu vực tại Đồng Nai. Từ tháng 8, Beeline sẽ bước đầu phủ sóng các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu. Mục tiêu của Beeline VN là phủ sóng toàn bộ với chất lượng mạng ổn định đến hơn 40 tỉnh thành cho đến cuối năm 2009.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về viễn thông, bên cạnh điểm yếu về vùng phủ sóng, Beeline cũng còn có điểm yếu khác là chưa có các dịch vụ giá trị gia tăng gì đáng kể để khách hàng sử dụng trong khi các mạng lớn thì đã có hàng chục dịch vụ.
Tại các vùng đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, nơi chất lượng của mạng di động được người tiêu dùng rất quan tâm thì Beeline không có trong tay "con bài" chiến lược để tạo ra sự thay đổi lớn. Đây cũng chính là lý do khiến cho "giá trị vô địch" của Beeline bị khách hàng hờ hững.
Trao đổi với báo giới, ông Alexey Blyumin, Tổng Giám đốc GTEL Mobile - đơn vị chủ quản mạng di động Beeline cho rằng: "Từ bài học kinh nghiệm của các mạng di động khác, chúng tôi hiểu rằng cơ sở để thành công của một mạng di động là phải có vùng phủ sóng toàn quốc. Nếu vùng phủ sóng hạn chế, điều đó cũng có nghĩa là thành công hạn chế”, ông Alexey Blyumin nói.
Theo ông, Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng dù mật độ sử dụng điện thoại di động đã lên đến 55%. Trong vòng 1,5-2 năm nữa, thị trường viễn thông di động Việt Nam sẽ phát triển rồi chuyển sang ngưỡng bão hòa nên Beeline phải nắm bắt cơ hội này.
"Chúng tôi cố gắng đến cuối năm 2009 sẽ có được 2% trên tổng số thuê bao đăng ký của Việt Nam và nếu được tới 4% là con số tuyệt vời. Beeline là mạng di động thứ 7 nhưng tôi ghét con số 7 và chúng tôi sẽ không chấp nhận đứng vị trí thứ 7 trong tương lai”, ông Alexey Blyumin nói.
Theo ông, tại một số quốc gia Đông Âu, nơi VimpelCom đang cung cấp dịch vụ dưới thương hiệu Beeline, sự cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông cũng rất gay gắt, mức độ thâm nhập thực tế lên tới trên 100% và hãng đã rất thành công. "Thị trường Việt Nam là một cơ hội kinh doanh tốt, đồng thời cũng là một thử thách đòi hỏi Beeline phải nỗ lực vượt qua”, ông nhấn mạnh.