Khai thác nước ngầm vô tội vạ
Từ tháng 7-2007, TP.HCM đã ngưng cấp phép khai thác nước ngầm ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất trên địa bàn, đồng thời cũng quy định vùng hạn chế, cấm khai thác nước ngầm. Đây là những biện pháp nhằm đảm bảo việc khai thác nước ngầm được hợp lý, chống cạn kiệt nguồn nước. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều KCN dường như vẫn chưa biết đến quy định này.
Chủ yếu xài nước ngầm
Theo hóa đơn của Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, từ tháng 6 đến tháng 11-2009, KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) chỉ sử dụng tối đa khoảng 17.000 m3 nước máy/tháng, thậm chí có tháng chưa đến 9.000 m3. Đối chiếu với một văn bản do ông Thái Văn Mến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco - chủ đầu tư KCN Tân Tạo) trả lời Pháp Luật TP.HCM thì lượng nước máy trên chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của KCN Tân Tạo và khu tái định cư.
Tương tự, nhu cầu sử dụng nước của cả KCN Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) là trên 100.000 m3/tháng. Nhưng theo hóa đơn tính tiền nước trong những tháng gần đây, KCN này chỉ sử dụng tối đa 14.000 m3 nước máy/tháng. “Ngoài việc sử dụng nước thủy cục, chúng tôi có sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan để cung cấp cho các doanh nghiệp” - Giám đốc KCN Lê Minh Xuân Mai Hữu Tài nói.
Đáng chú ý, trong tháng 6-2009, KCN Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) không dùng 1 m3 nước thủy cục nào. Trong các kỳ kế tiếp, KCN này cũng chỉ xài tối đa khoảng 4.500 m3 nước máy/tháng. Tương tự, lượng nước máy KCN Tân Bình sử dụng hằng tháng cũng dao động ở mức rất thấp, tối đa khoảng 22.500 m3/tháng. Trong khi theo thông tin từ Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa (đơn vị cung cấp nước cho KCN Tân Bình), lượng nước máy cao nhất mà KCN này từng sử dụng lên đến gần 87.000 m3/tháng.
Theo thông tin công bố trên website của Ban Quản lý các KCN và khu chế xuất TP (Hepza), nguồn nước cung cấp cho KCN chủ yếu từ khai thác nước ngầm và được xử lý qua trung tâm xử lý nước thải của KCN với công suất 12.000 m3/ngày đêm.
Vì nước máy yếu hay vì lợi nhuận?
Qua tìm hiểu, thời điểm KCN Tân Bình sử dụng nước máy tăng đột biến đã cách nay hơn hai năm, nguyên nhân là khi đó hệ thống xử lý nước ngầm của KCN bị trục trặc. Còn sau đó mọi việc vẫn y như cũ. “Đây là khu vực đầu nguồn đón nguồn nước từ Nhà máy nước Tân Hiệp nên nước máy thừa sức cung ứng cho nhu cầu của KCN. Quan trọng là họ có chịu sử dụng hay không thôi” - đại diện Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa khẳng định.
Theo ông Thái Văn Mến, nhu cầu sử dụng nước ở KCN Tân Tạo và khu tái định cư bình quân là 163.000 m3/tháng. Tuy nhiên, do nước thủy cục chỉ cung cấp mỗi tháng chừng 15.000 m3 và áp lực nước lại yếu nên Itaco phải đầu tư hệ thống xử lý nước ngầm để bổ sung. Phía Itaco cho rằng do nước ngầm tại đây có quá nhiều sắt và mangan nên chi phí xử lý cao, nhiều năm qua KCN Tân Tạo phải bù lỗ chi phí xử lý nước để bán bằng giá quy định (4.500 đồng/m3). Để giảm thiệt hại, Itaco đã thông báo “lộ trình” tăng giá nước đối với các doanh nghiệp trong KCN và các hộ dân trong khu tái định cư. Theo đó, giá nước bắt đầu tăng dần từ tháng 10-2009 và đến tháng 7-2010 sẽ là 12.000 đồng/m3.
Ông Mai Hữu Tài cũng cho biết nếu nước máy đủ mạnh thì “chúng tôi giao cho ngành nước cung cấp cho khỏe, chứ với đơn giá quy định thì các KCN đều bị lỗ khi cung cấp nước ngầm”.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty Cấp nước Chợ Lớn, không đồng tình với các ý kiến trên. “Áp lực nguồn nước cung cấp cho KCN Tân Tạo rất lớn, khoảng 4.800-9.600 m3/12 giờ/ngày. Ở đây, nguyên nhân chính là KCN đã đấu nối hai nguồn nước trực tiếp không đúng kỹ thuật, dẫn đến việc nước máy (có áp lực yếu hơn) không thể vào mạng vì bị nước giếng đánh bật. Chúng tôi đã yêu cầu họ phải đấu nối tách biệt hai nguồn nước theo đúng hợp đồng” - ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, nếu khai thác nước ngầm với số lượng nhỏ thì chi phí xử lý có thể cao nhưng với quy mô lớn theo kiểu các KCN đang áp dụng thì chi phí giảm rất nhiều. “Theo tôi, việc khai thác nước ngầm tại nơi đã có nước máy của các KCN không ngoài mục đích lợi nhuận. Quy mô khai thác nước ngầm rất lớn như hiện nay sẽ gây ra những tác động xấu, vì thế cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những KCN còn đang khai thác nước ngầm vô tội vạ” - ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN&MT TP: Phải tăng giá tính thuế, thu phí bảo tồn khai thác nước ngầm Hiện tổng trữ lượng khai thác nước ngầm của TP trên 2,5 triệu m3/ngày. Ước tổng lưu lượng khai thác nước ngầm hiện nay 550.000-600.000 m3/ngày, vẫn nằm trong mức an toàn (hơn 830.000 m3/ngày). Tuy nhiên, việc khai thác phải đồng đều chứ không được tập trung quá lớn ở một vài khu vực. Sở TN&MT vẫn thường xuyên thanh tra, xử phạt những doanh nghiệp khai thác nước ngầm không phép. Tuy nhiên, có một khó khăn là một số doanh nghiệp không được TP cấp phép đã xin Bộ TN&MT cấp phép khai thác với lưu lượng cao hơn. Theo tôi, về lâu dài cần tăng đơn giá tính thuế khai thác nước ngầm vì đơn giá tính thuế hiện nay khá thấp (4.000 đồng/m3 và thuế suất tối đa chỉ 4%), đồng thời thu phí bảo tồn nước dưới đất. |