Khoảng trống trên thị trường bất động sản
Hiện nay hầu hết các công trình bất động sản lớn ở nước ta đều do các công ty nước ngoài quản lý. Các công ty trong nước mới chỉ đủ sức tiếp cận đến các công trình nhỏ, đơn lẻ. Sự yếu kém của các đơn vị làm công tác dịch vụ bất động sản trong nước thể hiện chủ yếu ở trình độ quản lý, điều hành, quan hệ với khách hàng cũng như chưa đủ uy tín để lôi kéo khách hàng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Lý giải về thực trạng này, ông Vũ Quốc Thái, Giám đốc nghiên cứu công ty VietRees cho rằng: một trong những yếu tố dẫn đến thực trạng trên là do các công ty tư vấn, quản lý bất động sản Việt Nam hạn chế về vốn, không muốn bỏ thời gian và chi phí nghiên cứu thị trường một cách bài bản, chưa quen với cách tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp. Đặc biệt là thiếu nhân tài trong hoạt động này. Hầu hết các nhân lực có thể làm được việc đều “chảy” sang các công ty bất động sản nước ngoài. Nhân viên của các công ty môi giới trong nước hầu như không được đào tạo một cách bài bản...
Từ năm 2003 trở về trước, các văn phòng nhà đất mọc lên như nấm nhưng nhân sự của họ thường là những người mới ra trường; không xin được việc làm hoặc thất nghiệp ở nơi khác về mở văn phòng tư vấn nhà đất. Đến khi văn phòng nhà đất không còn hoạt động thì mở công ty bất động sản nên nhân sự rất yếu, nhất là về trình độ ngoại ngữ, khả năng phân tích và giao tiếp.
Cũng xuất phát từ thực trạng trên, nhiều người cho rằng trong số các nguyên nhân gây nên sự biến động và phát triển lệch lạc của thị trường bất động sản thời gian qua có nguyên nhân do chưa được đào tạo bài bản, hoạt động không chuyên nghiệp và làm ăn theo kiểu chộp giật của đội ngũ những người môi giới được gọi là “cò nhà đất” tạo nên.
Trên thực tế, nhà đầu tư cũng chưa thực sự quan tâm đến dịch vụ giá của các tổ chức thẩm định giá tư nhân, việc đào tạo cũng như thẩm định giá bất động sản lâu nay tiến hành một cách tự phát nên không nhận được sự tín nhiệm của khách hàng. Trong tình trạng đó, doanh nghiệp bất động sản cứ việc tự “phát” giá nhà đất mà không theo cơ sở nào, đến “môi giới” lại tự phát một giá khác cao hơn. Vì vậy, giá nhà đất liên tục bị đẩy lên.
PGS.TS Đinh Quang Cường, trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định: Những thiếu hụt trên đây cho thấy những khoảng trống trong họat động kinh doanh trên thị trường BĐS nói chung cũng như sự thiếu hụt trong công tác đào tạo phục vụ phát triển thị trường bất động sản nói riêng.
Có nhiều nguyên nhân tác động tạo nên sự thiếu hụt này song nguyên nhân cơ bản do đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với chúng ta, cả về nguồn nhân lực và các tư liệu, tài liệu. Các hoạt động đào tạo đều phải dựa vào kinh nghiệm và thông tin tư liệu của nước ngoài, trong khi những đặc trưng của thị trường bất động sản nước ta có nhiều điểm khác biệt căn bản so với thị trường bất động sản thế giới.
Việc chuyển đổi các tư liệu, tài liệu và kinh nghiệm nước ngoài vận dụng vào điều kiện phát triển của thị trường Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Những khó khăn này không thể khắc phục hết trước khi đưa vào áp dụng mà sẽ dần được hoàn thiện sau khi áp dụng và trải nghiệm thực tế. Điều đó đòi hỏi công tác đào tạo trong lĩnh vực bất động sản không chỉ dừng lại ở nghiên cứu lý thuyết mà rất cần có sự kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết với học tập thông qua các kinh nghiệm và báo cáo thực tế...
Ngay từ bây giờ, nếu các đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản trong nước không có sự thay đổi tích cực, công ty bất động sản đầu tư xây dựng văn phòng, thương mại... của nước ta lại không thể tự quản lý dự án thì “mảnh đất” màu mỡ vẫn thuộc về các công ty nước ngoài.