Khởi công xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc

Với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu đô la Mỹ, đây là dự án có vốn đầu tư khá lớn từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 400 triệu đô la Mỹ) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời đây là một dự án quan trọng, là điều kiện để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, sau 37 tháng thi công. Quy mô của dự án gồm 5 gói thầu chính bao gồm các hạng mục hệ thống đường, cầu cống, viễn thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện; cải tạo hồ Tân Xã và bảo vệ suối Dứa Gai; trạm điện và tư vấn giám sát.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết "Năm 2018, dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt bậc so với trước đây, phát triển theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, chuyển giao khoa học-công nghệ”, theo website Chính phủ. Việc thu hút đầu tư vào đây phải thực sự là những dự án khoa học công nghệ cao, không đưa vào đây những dự án không đúng với mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí đã được đề ra.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được khởi công xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, do mặt bằng của dự án còn nhiều vướng mắc nên Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã báo cáo Bộ Khoa học - Công nghệ và trình Chính phủ để tạm lùi thời gian triển khai dự án.

Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề mà Khu Công nghệ cao Hòa Lạc luôn phải quan tâm thực hiện trong  nhiều năm qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với 300 héc ta còn lại của dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thực tế dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được xây dựng một phần bằng nguồn ngân sách nhà nước. Hiện có khoảng 70 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động như các dự án Trung tâm Công nghệ cao Viettel,  Đại học FPT, Công ty Phần mềm FPT và các dự án nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao như dự án Trung tâm kỹ thuật Ô tô Hòa Lạc của Công ty Nissan Techno, dự án sản xuất thiết bị Y tế của Liên doanh Y học Việt – Hàn... Tổng số vốn đăng ký đầu tư vào đây đã đạt khoảng 60.000 tỉ đồng, khoảng 10.000 người đang làm việc và học tập tại đây. Riêng về xuất khẩu năm 2014, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã đạt được trên 130 triệu đô la Mỹ…

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Theo quy hoạch, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích gần 1.600 héc ta, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Hà Nội với các khu chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu-Triển khai, Phần mềm, Công nghiệp Công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích khác.

Sau 17 năm thành lập, bóng dáng của một đô thị khoa học và công nghệ đang hình thành, quá trình xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện công tác giải phóng mặt bằng ở Khu công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, toàn bộ mặt bằng sẽ được bàn giao cho các đơn vị thi công theo đúng tiến độ.

Tháng 3/2012 Bộ Tài chính và JICA đã ký Hiệp định vay vốn lần 1 trị giá trên 15,2 tỉ yên cho giai đoạn xây dựng dự án. Theo kế hoạch, Hiệp định vay lần 2 sẽ được ký kết trong năm tài chính 2016 với tổng số vốn vay dự kiến khoảng 30 tỉ yên.