Khối FDI lại than "thừa thủ tục, thiếu nhân tài"

Quá nhiều thủ tục "nhiêu khê"
Điểm “đen” đầu tiên trong môi trường kinh doanh của Việt Nam là thủ tục hành chính. Ông Ashok Sud, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) không ngại khi nói thẳng: “Việt Nam còn nhiều thủ tục nhiêu khê, thiếu hiệu quả và rất mệt mỏi cho DN. Sự nhiêu khê này tạo ra hiện tượng thất nghiệp ảo”.
 
Điển hình cho tồn tại này, ông lấy dẫn chứng: “Hiện nay mỗi tháng, Tập đoàn Unilever Việt Nam phải xuất tới 20.000 hóa đơn bằng giấy. Trong khi đó, nếu giao dịch thanh toán điện tử được phê chuẩn như một phương pháp kinh doanh ở Việt Nam thì khối lượng giấy tờ khổng lồ này sẽ giảm bớt”.
 
Bức xúc không kém, ông Patrick Regis, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam kể, Công ty Roll Roys mở văn phòng tại Việt Nam cách đây đã 1 năm nhưng trong thời gian đó, công ty này cũng gặp rất nhiều khó khăn. "Đôi khi, chúng tôi phải tới từng Bộ để gõ cửa hỏi tại sao có những thủ tục 1 năm vẫn chưa xong?”, ông nói. Hai vị chủ tịch này đều chung một kiến nghị, Việt Nam nên thiết lập cơ chế một cửa cho thủ tục đầu tư của DN FDI. Cũng như cơ chế một cửa đối với hoạt động đăng ký kinh doanh, ông Ashok Sud nói. DN FDI khi nộp hồ sơ xin phép đầu tư, chỉ cần đến một chỗ.
  
"Đôi khi, chúng tôi phải tới từng Bộ để gõ cửa hỏi tại sao có những thủ tục 1 năm vẫn chưa xong?"
Patrick Regis, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam
Bộ phận này sau đó sẽ có trách nhiệm làm việc với các bên liên quan. Còn hiện nay, để xin phép đầu tư, các DN FDI vẫn phải “chạy” ngược xuôi nhiều cửa.
Như minh chứng thêm cho hệ lụy thủ tục hành chính rườm rà này, ông Kim Ho Kyun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay, qua khảo sát ý kiến thì có 5% DN Hàn Quốc có ý định giảm qui mô kinh doanh ở Việt Nam và có 2% muốn chuyển đầu tư từ Việt Nam sang nước khác.
Thủ tục hành chính phức tạp như chuyện giải thích về luật rất khác nhau… là một trong những lý do lớn để số DN Hàn Quốc này muốn rời bỏ Việt Nam trong tương lai. Ngoài cơ chế một cửa, ông Patrick Regis đưa thêm ý tưởng: “Tại mỗi Hiệp hội DN FDI, nên có một cán bộ đại diện am hiểu chính sách pháp luật của Việt Nam để khi DN gặp trục trặc gì, người đại diện đó có thể hỗ trợ được phần nào”.

Bí bách bài toán nhân tài

Việc tìm kiếm lao động lành nghề, nhân lực quản lý cấp trung gian có trình độ là vấn đề đau đầu của đa số các DN FDI. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Lan tại Việt Nam, ông Panat Krairojananan lo lắng, các DN nước ngoài khi mới đến Việt Nam, đôi khi vẫn phải thuê người nước ngoài vào làm, bởi lẽ họ khó mà tìm được người giỏi ở Việt Nam ngay. Tuy nhiên, với mức thuế thu nhập cá nhân mới đối với lao động nước ngoài khá cao, xu hướng sắp tới là công ty Thái Lan sẽ phải cắt giảm lao động nước ngoài và họ sẽ phải tìm người Việt Nam cho các vị trí quan trọng. Thế nhưng, đây là việc vốn dĩ vô cùng khó.

Ông Harry Beirnaert, Chủ tịch Hiệp hội DN Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam tỏ ra khá thất vọng khi kể: “Một số sinh viên Việt Nam đã ra trường mà những tính toán cơ bản lại không tính được".
Trong khi đó, làm sao để hút được lao động giỏi, giữ được họ trước sức ép cạnh tranh từ các công ty lớn khác đối với DN Bỉ là rất nan giải”.

Ông Andrew Yeo, Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore tại Việt Nam khẳng định: “Hầu hết, khi tuyển dụng những sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp đại học, chúng tôi đều phải đào tạo lại, rất tốn kém. Trình độ sinh viên ra trường của Việt Nam không đáp ứng yêu cầu công việc mà chúng tôi đang cần”.

Có lẽ, khi Việt Nam cải cách giáo dục đại học, cần có sự tham gia trực tiếp của các Hiệp hội DN FDI trong việc soạn thảo đề án giảng dạy ở Việt Nam, ông Andrew Yeo đề xuất. Trả lời cho câu hỏi đâu là kỹ năng mà lao động Việt Nam đang thiếu và đâu sẽ là kỹ năng mà Việt Nam trong tương lai 5-6 năm tới cần đáp ứng, ông Ashok Sud cho rằng, Chính phủ phải xem xét ngành nào có lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển nhân lực cho ngành đó.
 
"Hầu hết, khi tuyển dụng những sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp đại học, chúng tôi đều phải đào tạo lại, rất tốn kém. Trình độ sinh viên ra trường của Việt Nam không đáp ứng yêu cầu công việc mà chúng tôi đang cần".

Andrew Yeo, Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore tại Việt Nam

Ông lấy ví dụ, nếu 5 năm tới, ngành ngân hàng ở Việt Nam là quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đã có 5.000 lao động cho ngành này và cần tới 15.000 người như vậy trong tương lai.
Để bù đắp cho khoảng trống đó, Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch đào tạo sinh viên, tạo cơ hội đi du học, nâng cao trình độ để sau 5 năm, lực lượng này sẽ đáp ứng được nhu cầu.
Ngoài 2 điểm mấu chốt trên, thiếu điện, thiếu cảng nước sâu tiếp tục bị các DN FDI than phiền nhiều.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã ghi nhận mọi phản hồi trên của DN. Với sự hợp tác từ phía các Hiệp hội DN nước ngoài, các khuyến nghị chính sách tới Chính phủ của VCCI sẽ là góc nhìn “360 độ”. Trên thực tế, những bức xúc của các DN cũng chính là những điểm then chốt mà Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện.