“Không có chuyện vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ giảm mạnh”
Con số 185 triệu USD trong tháng 1/2009 chỉ bằng 12,5% vốn FDI đăng ký trong tháng 12/2008 là 1,47 tỷ USD, và bằng 11% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, theo tiết lộ của quan chức nói trên, lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 2/2009, cho đến hiện tại, đã ở mức trên 5 tỷ USD.
Như vậy, "có thể khẳng định vốn đăng ký giảm mạnh trong tháng 1 vừa qua không thể hiện xu hướng giảm sút luồng vốn FDI, cũng như không thể cho rằng các nhà đầu tư ngoại đã kém mặn mà với Việt Nam", quan chức này nói.
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng tỏ ra không lo ngại về con số vốn đăng ký tháng 1/2009. “Con số như thế chưa phản ánh hết tình hình của tháng 1”, ông Thắng nói.
Theo giải thích của đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký tháng 1/2009 được tính đến ngày 20 để phục vụ cuộc họp thường kỳ của Chính phủ. Tuy nhiên, con số báo cáo về từ các địa phương trong tháng qua không đầy đủ, nhiều nơi không kịp gửi nên số liệu công bố chưa đầy đủ.
Theo ông Phan Hữu Thắng, hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, nhiều dự án đang xúc tiến để được cấp chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề phụ thuộc chủ yếu vào việc cấp phép của cơ quan chức năng.
Nếu các địa phương triển khai nhanh chóng việc cấp phép cho các dự án có thể cấp phép, xem xét việc đảm bảo vốn đăng ký theo mục tiêu dự án… thì việc thu hút FDI khoảng 20 tỷ USD không phải là nhiệm vụ khó thực hiện trong năm 2009, ông Thắng nói.
Đối với lượng vốn FDI giải ngân của năm nay, trong một cuộc trao đổi gần đây với VnEconomy, ông Phan Hữu Thắng nói Cục Đầu tư nước ngoài sẽ phấn đấu để không “thua kém” mức đạt được trong năm 2008, là 11,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong khi các “siêu” dự án FDI đóng góp lớn vào thành tích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của năm 2008, ngay trong Cục Đầu tư nước ngoài cũng xuất hiện nhiều quan điểm tỏ ra thận trọng khi nói về “bảng vàng” này.
Vị lãnh đạo cấp vụ được trích dẫn ở trên cho rằng nên xem xét cẩn trọng khi cấp phép đối với các “siêu” dự án FDI, đặc biệt là về quy mô vốn và diện tích đất. Lý do được vị này nhắc đến là lãng phí tài nguyên đất, vừa ảnh hưởng đến đời sống người dân bị thu hồi đất, vừa mất diện tích đất đáng lý có thể cho dự án khác thuê. "Vấn đề này xảy ra ở không ít dự án", ông nói.
Đối với quy trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị các địa phương “cần lưu ý về quy mô vốn của dự án đối với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên như đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp, khoáng sản…”.
Một vấn đề nữa cũng được đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây là hiệu quả đem lại của nhiều “siêu” dự án lớn có tương xứng với quy mô của nó?
Bên cạnh những dự án rất lớn, có diện tích thu hồi đất hàng trăm ha, nhưng triển khai rất chậm, có những dự án như của Honda chẳng hạn, quy mô chỉ gần 300 triệu USD, diện tích 2-3 chục ha nhưng giải quyết cho hơn 4.000 lao động, hàng năm vẫn nộp ngân sách cho địa phương gần 1.000 tỷ đồng.
“Theo tôi, trong thời gian tới chúng ta nên tập trung vào những dự án quy mô 200-300 triệu nhưng có thể giải ngân nhanh, đi vào hoạt động ngay”, một chuyên gia về chính sách của Cục Đầu tư nước ngoài bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, cũng cần "soi" kỹ các dự án liên quan đến vấn đề môi trường, đến khai thác tài nguyên, khoáng sản..., chuyên gia nói trên lưu ý.
Liên quan đến vấn đề dự án chậm triển khai, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng kiến nghị cần “tiến hành ngay các thủ tục thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án FDI không có khả năng triển khai hoặc chưa có kế hoạch sử dụng hết diện tích đất được giao để chuyển cho các dự án đầu tư mới có hiệu quả hơn”.