Không gian ngầm tại đô thị: “Mỏ vàng” bị lãng quên
Tuy nhiên, tại Việt Nam việc xây dựng công trình ngầm chưa được quan tâm đúng mức và đang là một “mỏ vàng” bị lãng quên.
Tiềm năng chưa được tính đến
Tại cuộc Hội thảo Quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á tổ chức, nhiều chuyên gia đã tỏ ý tiếc nuối khi tiềm năng không gian ngầm tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng đưa ra một số bất cập của các công trình ngầm hiện nay ở Việt Nam như: hầu hết các đô thị chưa lập được bản đồ hiện trạng tổng hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; mỗi công trình lại được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau, lắp đặt bố trí ở các độ sâu khác nhau… Bởi thế mới có hiện tượng các ngành như điện, nước, viễn thông thay nhau đào lên lấp xuống các con đường, làm ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân cũng như mỹ quan thành phố. Ngay cả sự kiện Hà Nội đang thực hiện dự án hạ ngầm đường dây thông tin, cáp điện ở một số tuyến phố chính với chi phí rất lớn cũng chưa thể thực sự gọi là những công trình ngầm.
Quan điểm của các chuyên gia xây dựng cho rằng: theo tư duy mới, một đô thị được coi là mẫu mực sẽ là đô thị với hệ thống văn phòng, công sở, cửa hàng, hệ thống giao thông huyết mạch... sẽ nằm toàn bộ dưới lòng đất trả lại mặt bằng bên trên là các công viên, cây xanh và các khu vực vui chơi giải trí. Việc sử dụng không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm là nhu cầu thực tế của các đô thị Việt Nam.
Nói như ông Lưu Đức Hải- Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng: Nhu cầu về tính văn minh, hiện đại và mỹ quan đô thị đã và đang đòi hỏi việc phát triển hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song song cả chiều cao và chiều sâu của đô thị. Tuy nhiên, chỉ tính riêng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, những nơi mà quỹ đất bị thu hẹp rất nhiều thì việc phát triển các công trình ngầm hầu như chưa có.
Hầu hết mới chỉ dừng lại ở một số hầm đường bộ, tầng hầm của các cao ốc; dự án xây dựng tàu điện ngầm thì hiện mới đang trong quá trình lập dự án và tiến độ triển khai quá chậm. Cũng tại 2 thành phố này, cơ quan chức năng đang chuẩn bị xây dựng bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên chưa có quy hoạch cụ thể nên việc lựa chọn địa điểm xây dựng còn gặp nhiều khó khăn. Đối với phần ngầm các công trình xây dựng, chủ yếu là tòa nhà cao tầng thì chưa được quản lý đồng bộ…
Cần sớm có giải pháp đồng bộ
Nếu như năm 1998, tổng số đô thị trên toàn quốc là 633 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 24% thì đến năm 2008 con số này là 747 đô thị và tỷ lệ đô thị hoá là 30,5%.
Với mức độ tăng trưởng như vậy, việc phát triển các công trình ngầm ở Việt Nam là điều tất yếu và cần được thực hiện bằng giải pháp đồng bộ dưới sự đi trước một bước của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, cho đến nay, việc chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, thiếu một tầm nhìn tổng thể về vấn đề này tại các đô thị đang gây rất nhiều khó khăn cản trở cho công tác quản lý và đầu tư về lĩnh vực này.
Ông Lưu Đức Hải chia sẻ: vấn đề nan giải nhất là hành lang pháp lý chưa đủ, quy hoạch còn thể hiện nhiều điểm bất hợp lý. Trên thực tế, quy định pháp luật về công trình ngầm hoàn toàn không thiếu nhưng các quy định này còn rất sơ sài, mơ hồ. Điều này đã làm khó các cơ quan quản lý mỗi khi các công trình ngầm xảy ra sự cố vì không có được sự quản lý đồng bộ. Vì thế, Nhà nước cần đi trước một bước bằng cách bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch một cách bài bản, tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai.
Để phát triển công trình ngầm cũng đòi hỏi phải có những bước đột phá. Theo ông Hải, quy hoạch dưới lòng đất rất phức tạp bởi ngoài chuyện phải sử dụng kỹ thuật hiện đại của nhiều chuyên ngành như địa chất, thủy văn, xây dựng, văn hoá, lịch sử… còn phải có nguồn lực tài chính lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn quy hoạch. Chính bởi thế, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nên có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực này để giúp hoạt động quy họach, đầu tư phát triển không gian, công trình ngầm phát triển.