Kiên Giang phát triển mạnh kinh tế biển
Lợi thế biển, đảo Kiên Giang
Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.000 km², với bờ biển dài khoảng 200 km và 143 đảo nổi, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống, tạo nên 5 quần đảo giàu tiềm năng kinh tế trên mặt đại dương.
Đặc biệt là đảo Phú Quốc giàu tài nguyên thiên nhiên và hấp dẫn nhiều loại hình du lịch quốc tế. Biển Kiên Giang tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng, quy mô lớn, cho phép phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển.
Theo đó, Kiên Giang được xác định là 1 trong 4 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Vùng ĐBSCL theo Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vùng kinh tế trọng điểm ở ĐBSCL.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lê Khắc Ghi cho biết, với những lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển quan trọng, những năm qua, kinh tế biển đã đóng góp cho GDP của tỉnh trên 70%, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển bình quân hàng năm trên 18%. Trong đó, lĩnh vực khai thác thủy sản đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 13.000 phương tiện, sản lượng khai thác ước đạt 396.900 tấn. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, với nhiều loại hình công nghiệp và quảng canh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 153.920 ha (tăng 34.929 ha), sản lượng 110.498 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm 84.608 ha với sản lượng 39.605 tấn; chế biến xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, tăng cường hợp tác quốc tế; gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Phấn đấu đến năm 2015, GDP chiếm 70% GDP toàn tỉnh, thu nhập gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân toàn tỉnh.
Mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Kiên Giang bao gồm: tập trung đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, tạo tiền đề để Kiên Giang sớm trở thành tỉnh mạnh về biển với tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Huy động mọi nguồn lực, phát huy tối đa nguồn nội lực đi đôi với mở rộng hợp tác ngoài tỉnh, quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế biển.
Những năm gần đây, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo và phối hợp với các ngành liên quan hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm, như Dự án Đường Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn I, tích cực hỗ trợ Dự án Đường Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn II, đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc, hoàn thành trục Bắc - Nam đảo Phú Quốc, cầu Nguyễn Trung Trực và một số tuyến nhánh trên địa bàn huyện Phú Quốc; Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, các khu công nghiệp Thuận Yên và Thạnh Lộc… Riêng một số dự án đang rấp rút triển khai, như Dự án Tuyến Quốc lộ 80 (Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) đang giải phóng mặt bằng, đường Kênh Chống Mỹ, đường kết hợp đê biển đoạn Rạch Giá - Hòn Đất…
Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư
Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá về tiềm năng, vận dụng cơ chế linh hoạt, áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh và địa phương đang có nhu cầu, như công nghệ sinh học trong nông nghiệp; trồng trọt, chủ yếu là cây lúa; nuôi trồng thuỷ sản; công nghệ chế biến sau thu hoạch gắn với xuất khầu; phát triển các dịch vụ kinh tế biển, du lịch, các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí; bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đảm bảo phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.
Ông Lê Khắc Ghi cho biết, Kiên Giang đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... Theo đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông nhằm đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật… Qua đó, tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư vào địa phương.
“Kiên Giang có thế mạnh do có vị trí địa lý thuận lợi như địa điểm thuận tiện kết nối với các nước ASEAN, đặc biệt là về hàng không với Sân bay nội địa Rạch Giá và Sân bay quốc tế Phú Quốc, cùng với đường biển đi quốc tế còn có đường bộ hành lang ven biển phía Nam đang thi công. Con đường này chạy dài ven biển Tây từ Cà Mau - Kiên Giang qua Campuchia và Thái Lan. Lợi thế này mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và thực hiện được vai trò là cầu nối giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài lãnh thổ”, ông Ghi nói và cho rằng, ngoài việc đề xuất kịp thời với các bộ, ngành và Trung ương hỗ trợ về cơ chế chính sách, các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kịp thời tìm ra giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc liên kết vùng. Trong đó, Kiên Giang cam kết sẽ là thành viên tích cực để cùng nhau thúc đẩy phát triển kinh tế trong Vùng ĐBSCL tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.