Kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm: Các trụ cột kinh tế đều suy giảm

 Hôm nay (1/6), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2016, song thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2016 do Tổng cục Thống kê công bố đã cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Điểm dễ thấy nhất, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là việc chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2015. 
 
Không chỉ là sản xuất công nghiệp, thông tin cho biết, sản xuất nông nghiệp cũng đang gặp khó ở cả hai đầu cầu kinh tế phía Bắc và phía Nam. Một ví dụ cụ thể, đó là sản lượng lúa đông - xuân năm nay của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 7,1 triệu tấn, giảm 53.400 tấn so với vụ đông - xuân 2015, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài vào đầu vụ và sâu bệnh phát sinh gây hại ở một số địa phương. Trong khi đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa đông - xuân ước chỉ đạt 10 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn so với vụ đông - xuân 2015, chủ yếu do tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn.
 
Trong khi đó, xuất khẩu cũng đang tiếp tục xu hướng tăng chậm lại, trong bối cảnh sản xuất gặp khó. 5 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu chỉ dừng ở mức 6,6% (ước đạt 67,7 tỷ USD), còn cách khá xa mục tiêu điều hành 10%.
 
Những dấu hiệu trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2016 sẽ thấp hơn so với năm ngoái, giống như đã xảy ra trong quý I vừa qua. Thực tế, cái khó này đã thể hiện ngay ở con số về lượng doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm. Đó là, có tới 28.582 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 17.788 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
 
Bội chi ngân sách cũng là một thách thức không nhỏ. 5 tháng đầu năm, mức bội chi đã lên tới 66.400 tỷ đồng. Đây là mức bội chi tương đối lớn trong bối cảnh các hàng rào thuế quan đang dần được cắt giảm, thu ngân sách ngày càng khó khăn. Bội chi cao cũng một lần nữa đặt nặng áp lực lên nợ công.
Nền kinh tế dù vẫn có diễn biến tích cực, song những nét “chấm phá” trên đã cho thấy, nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Chưa kể, xu hướng lạm phát tăng lên cũng tạo áp lực tới nền kinh tế.
Câu chuyện mà Việt Nam quan tâm hiện nay là liệu mục tiêu tăng trưởng - lạm phát có thể đạt được trong năm 2016, khi các thách thức phía trước lớn như vậy? Tháng trước, khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không khỏi quan ngại khi đưa ra dự báo rằng, có thể năm nay, cả 2 mục tiêu quan trọng nhất của nền kinh tế này sẽ không đạt được.
 
Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích, giai đoạn phục hồi của tăng trưởng ngắn hạn sau khi đạt đỉnh vào quý II/2015 đã chuyển sang giai đoạn suy giảm từ quý III/2015. Mặc dù tăng trưởng trong ngắn hạn đang chịu tác động của yếu tố chu kỳ kinh tế, bao gồm tổng cầu của nền kinh tế và các yếu tố như thiên tai, kinh tế thế giới..., song những chính sách hướng đến nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn (như cải cách thủ tục hành chính, cải cách luật đầu tư, luật doanh nghiệp, ký kết các hiệp định thương mại FTAs, TPP...) lại đang tiếp tục phát huy tác dụng, khiến tăng trưởng (tiềm năng tăng trưởng) của nền kinh tế duy trì xu hướng đi lên.
 
“Dù vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 đòi hỏi những nỗ lực, quyết tâm rất lớn”, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia bày tỏ quan điểm.
Trong cuộc làm việc cách đây hai ngày với một số bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh việc nền kinh tế còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, lạm phát có xu hướng tăng. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, không để bị động trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…
“Kiên quyết giữ vững các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra”, Thủ tướng đã nêu rõ như vậy và yêu cầu, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực, các bộ, ngành phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, “không nói chung chung”, làm sao huy động mọi nguồn lực giữ vững tốc độ tăng trưởng.
 
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tăng trưởng GDP, bên cạnh số lượng phải quan tâm bảo đảm chất lượng; quan tâm chăm lo đời sống người dân vùng khó khăn, thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Những giải pháp điều hành cụ thể sẽ được thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016.