Lạc quan vốn FDI vào các tỉnh phía Nam
Những tín hiệu vui
Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 696,3 triệu USD, chiếm 43,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. TP.Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với việc cấp mới 53 dự án, 15 dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký là 201,2 triệu USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư cả nước. Ngoài ra, một số địa phương phía Nam như Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Phước cũng đã có sự khởi sắc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngay từ đầu năm, hứa hẹn một năm nhộn nhịp.
Về quy mô dự án, trong tháng đầu năm 2017, các dự án có vốn đầu tư đăng ký lớn hiện nay nằm tại Bình Dương. Đó là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do Kolon Industries Inc đầu tư. Dự án Công ty cổ phần Tetra Pak Bình Dương, tổng vốn đầu tư 124 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm dạng lỏng (bao gồm cả công đoạn ép, in nhãn trên bao bì).
Còn tại Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 6-2 vừa qua, lãnh đạo tỉnh này đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án đầu tư nước ngoài, 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 311 triệu USD và 3.588 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý tại buổi trao giấy chứng nhận đầu tư này, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Hyosung Corporation đã cùng ký kết bản ghi nhớ về cam kết đầu tư và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu năm 2017 với quy mô vốn đầu tư 1,2 tỷ USD cho dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); và Cảng chuyên dụng LPG và hóa dầu. Như vậy, địa phương phía Nam này đang chuẩn bị đón những dự án tỷ đô.
Nâng chất lượng dự án và hỗ trợ nhà đầu tư
Phát biểu tại buổi gặp mặt và trao giấy chứng nhận đầu tư đầu năm 2017, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào những dự án lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng ít đất, năng lượng, lao động, thân thiện với môi trường, tạo ra sức lan tỏa. Bà Rịa- Vũng Tàu cũng sẽ kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, tăng hiệu suất của các dự án đăng ký đầu tư. Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động; gỡ bỏ các rào cản trong thu hút đầu tư. Cam kết của lãnh đạo tỉnh này cũng là định hướng trong kêu gọi thu hút đầu tư của các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Còn tại TP.HCM, năm 2017, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đề ra chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư 500 triệu USD; trong đó tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm, có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; khai thác các khu công nghiệp đã sẵn sàng quỹ đất.
Ngay từ những ngày đầu năm 2017, lãnh đạo tỉnh Long An- địa phương tiếp giáp TP.HCM kết nối với vùng ĐBSCL đã tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn. Lãnh đạo tỉnh này đã cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện thành công các dự án của mình với phương châm: "Khó khăn của bạn cũng là khó khăn của chúng tôi, và thành công của bạn cũng chính là thành công của chúng tôi". Trong tháng 1/2017, tỉnh Long An đã thu hút 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 12 triệu USD.
Năm 2017 còn cả chặng đường dài, do đó các địa phương vẫn đang tập trung các biện pháp xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án, sản xuất kinh doanh. Hy vọng, các địa phương phía Nam sẽ bội thu vốn FDI trong cả năm.