Long An luôn trong tầm ngắm của nhà đầu tư
Thưa ông, có phải vị trí chiến lược đã tạo nên lợi thế thu hút đầu tư cho Long An?
Long An là một tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối với trung tâm kinh tế TP.HCM ở phía Bắc, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam, Vương quốc Campuchia ở phía Tây và ra Biển Đông ở phía Đông.
Long An chỉ cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 1 giờ ô tô, có 4 quốc lộ, 2 đường cao tốc xuyên qua địa bàn, có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và 3 cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam -
Campuchia. Tỉnh còn có hệ thống cảng biển với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 DWT ở sông Xoài Rạp và nhiều cảng sông có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 6.000 - 7.000 DWT.
Với vị trí chiến lược là nơi kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (là vùng phát triển công nghiệp nhất cả nước) với Đồng bằng sông Cửu Long (là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước), Long An vừa có điều kiện phát triển công nghiệp, vừa có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, bởi có vùng nguyên liệu nông - lâm - thủy sản dồi dào, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, nếu chỉ có lợi thế về mặt địa lý thôi là chưa đủ để tạo nên sức hấp dẫn cho Long An. Điều mà nhà đầu tư cần và trông đợi chính là môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, thủ tục gọn nhẹ, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Vậy việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thời gian qua được tỉnh thực hiện như thế nào?
Cải thiện môi trường đầu tư là một trong những công tác trọng tâm của chính quyền tỉnh. Hàng năm, tỉnh có kế hoạch cụ thể về cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rà soát, nhận diện các điểm yếu của tỉnh trong thang điểm tính chỉ số năng lực cạnh tranh để tập trung khắc phục, nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan… Việc giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện theo quy trình ISO, đảm bảo đúng và có thể sớm hơn so với thời gian quy định.
Tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt thăm, gặp gỡ, hoặc định kỳ làm việc với doanh nghiệp để ghi nhận những vướng mắc, khó khăn, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ điều kiện cho các dự án đầu tư trên địa bàn vận hành hiệu quả.
Tỉnh đã chuẩn bị gì để tạo quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư?
Do có vị trí địa lý hấp dẫn tiếp giáp với TP.HCM, nên Long An luôn nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư. Nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho nhà đầu tư, Long An đã quy hoạch xây dựng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp (10.216,16 ha), trong đó có 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động; 32 cụm công nghiệp, trong đó có 9 cụm công nghiệp đi vào hoạt động (746,738 ha).
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp này nằm ở vị trí đắc địa, cạnh TP.HCM, được hưởng lợi về cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của thành phố này. Ngoài ra, các dự án đầu tư tại đây còn được hưởng nhiều ưu đãi khác, do phần lớn thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Với những lợi thế nêu trên, kết quả thu hút đầu tư vào Long An trong thời gian qua chắc rất khả quan, thưa ông?
Trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 74 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 427,5 triệu USD, tăng 94% về số dự án và gấp 1,5 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 81 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 6.908 tỷ đồng. Tính đến nay, tỉnh Long An đã thu hút được 566 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 3.576 triệu USD (trong đó có 354 dự án đi vào hoạt động với số vốn thực hiện là 2.047 triệu USD); 846 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 92.302 tỷ đồng cùng với 5.756 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với vốn đăng ký trên 110.000 tỷ đồng.
Long An hiện có vốn đầu tư của các nhà đầu tư đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, dẫn đầu là các nhà đầu tư Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…