Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Mở rộng đường băng cải cách

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Mở rộng đường băng cải cách

 Có 422 trên tổng số 424 (99,53%) đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường ngày 26/11 tán thành thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tỷ lệ này là 425 trên tổng số 428 đại biểu nhất trí thông qua (99,3%). Đây là 2 dự án luật đạt số phiếu tán thành cao nhất trong số 18 dự án luật được Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII thông qua.

Đằng sau những con số đồng thuận gần như tuyệt đối của Quốc hội với các dự án luật trên là sự nỗ lực không mệt mỏi của những người chủ trì soạn thảo vượt qua sự níu kéo, trì hoãn từ những trở lực của đổi mới, trước ánh sáng của tự do và minh bạch.

Khoanh rõ “vùng cấm”

Với tinh thần đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được thiết kế một cách thuận lợi nhất cho công cuộc đầu tư, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội.

Với Luật Đầu tư (sửa đổi), điểm mới nhất của luật lần này là sự đột phá trong phương pháp tiếp cận. Nếu phương pháp tiếp cận của luật trước đây là tiếp cận “chọn cho” - nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, thì phương pháp tiếp cận của luật lần này là “chọn bỏ” - nghĩa là cái gì cấm, hoặc hạn chế thì ghi trong luật.

“Chọn bỏ là những gì khó làm thì cấm và được ghi vào luật, cái gì luật không ghi hoặc ghi thiếu thì người dân, doanh nghiệp được quyền làm. Đây là sự thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Tương tự, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng bãi bỏ nhiều quy định ràng buộc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, như bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề đăng ký kinh doanh. Các vấn đề liên quan đến hồ sơ doanh nghiệp, con dấu, chữ ký, người đứng đầu doanh nghiệp… cũng được sửa đổi theo hướng thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp.

Là người đồng hành với các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: “Điểm đột phá lớn nhất trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không cấm theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần động lực mới cho sự phát triển”.

Tự do kinh doanh

Đánh giá về tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, trước đây, luật được làm theo hướng: cái gì cho phép làm, thì quy định vào luật. Với cách làm này, luật không thể ghi đủ tất cả những thứ cần phải cho, bởi xã hội có quá nhiều ngành nghề, có những ngành nghề phát sinh mới. Một khi không ghi trong luật, người dân lại phải xin cơ quan quản lý nhà nước. Cũng vì không có ghi trong luật dẫn đến người thích thì cho, không thích thì không cho…, gây khó khăn, tốn kém, không minh bạch.

“Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng nỗ lực tối đa để cùng với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mang lại đột phá cho môi trường đầu tư - kinh doanh. Đây là đột phá mang tính cách mạng. Tôi rất ủng hộ tư tưởng này”, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu.

Với tinh thần đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đã tổng hợp, thu gọn và quy định rõ danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện để doanh nghiệp, người dân chủ động lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh theo tiềm năng và lợi thế cạnh tranh sẵn có. Tất cả những ngành nghề luật không cấm, không hạn chế, doanh nghiệp, người dân được tự do đầu tư, kinh doanh.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thì vấn đề còn lại có phát huy được tiềm năng hay không chính là ở con người, còn tài nguyên không mang tính quyết định. Những đất nước không có tiềm năng về tài nguyên, nhưng có tiềm năng về con người, thì lại là những nước phát triển mạnh nhất. Cho nên, giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người.