Malaysia đầu tư dự án nhiệt điện lớn ở Trà Vinh
Dự án nhà máy điện Duyên Hải 2 với vốn đầu tư 2,4 tỉ đô la Mỹ do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd (Malaysia) đầu tư tại tỉnh Trà Vinh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dự án này nhằm xây dựng và vận hành một nhà máy nhiệt điện đốt than theo hình thức BOT với công suất khoảng 1.200 MW, bao gồm hai tổ máy với công suất thiết kế 600 MW mỗi tổ máy.
Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 này nằm trong Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh).
Lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cũng xác nhận với TBKTSG Online qua điện thoại rằng tỉnh vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhiệt điện BOT nói trên. Tuy nhiên vốn đầu tư của dự án là 2,188 tỉ đô la Mỹ chứ không phải 2,4 tỉ đô la Mỹ như báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài.
Đây là dự án đầu tư nước ngoài có vốn cam kết lớn thứ hai được cấp phép kể từ đầu năm đến nay, chỉ sau dự án của Công ty Samsung Display Việt Nam bổ sung thêm 3 tỉ đô la Mỹ cho cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại màn hình tại khu công nghiệp Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh.
Từ năm 2009, Công ty Janakuasa đã đàm phán các hợp đồng liên quan đến mua bán điện, hợp đồng BOT và cam kết bảo lãnh của Chính phủ, phục vụ triển khai dự án này. Theo thông lệ, nhà đầu tư sẽ có thời gian một năm, sau khi nhận được giấy phép đầu tư, để tiến hành thu xếp tài chính nhằm triển khai xây dựng nhà máy.
Trước đó, theo đánh giá của ngành điện lực, dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 thuộc về nhóm các dự án trọng điểm được tập trung triển khai để đảm bảo cân đối nguồn điện cho khu vực phía Nam và kỳ vọng sẽ đưa tổ máy 1 của dự án vào vận hành trước năm 2020.
Đồng hành với Công ty Janakuasa trong Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 là Tập đoàn Alstom (Pháp) trong vai trò cung cấp thiết bị chính.
Duyên Hải 2 cũng là 1 trong 4 nhà máy được đầu tư tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất trên 4.200 MW. Ba dự án còn lại gồm Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng đều đang được đầu tư bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 30 tỉ kWh điện hàng năm.
Mục tiêu được đặt ra cho hệ thống điện Việt Nam từ nay tới năm 2020 là có thêm 30.000 MW công suất mới, tương đương nhu cầu 8 tỉ đô la Mỹ đầu tư hàng năm. Trong cơ cấu này, tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân thông qua hình thức BOT và dự án điện độc lập (IPP) của tư nhân trong nước được dự kiến chiếm 47,5%.