Mối lo của thép Việt không phải ASEAN
Có 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch, 24 dự án địa phương cấp sai thẩm quyền. Đang có hiện tượng đầu tư vào ngành thép tràn lan. Nhiều địa phương chỉ vì thành tích đã cho phép một số dự án thép không đưa lại hiệu quả kinh tế nên trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án thép tự động đóng cửa. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) (ảnh), trao đổi với một tờ báo về vấn đề này.
Thép có chất lượng vẫn hơn
Vừa qua, thép trong nước buộc phải giảm giá nhiều lần để cạnh tranh với thép ngoại nhập, nhất là thép đến từ các nước ASEAN. Tại sao lại có tình trạng này?
Vừa qua, việc thép từ các nước ASEAN nhập khẩu nhiều vào Việt Nam do được giảm thuế xuống còn 0% theo cam kết tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tuy nhiên, nhận định của doanh nghiệp là thép từ các nước ASEAN ồ ạt vào nước ta chỉ mang tính chất nhất thời, khi khủng hoảng kinh tế dẫn tới các nước ASEAN dư thừa thép buộc phải bán giá thấp. Mối lo của thép Việt Nam không phải đến từ ASEAN mà chính là Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất lớn và có nhiều chính sách tiền tệ, tài chính, thuế quan hỗ trợ rất nhiều cho thép xuất khẩu.
Nhận định giá thép từ đây đến cuối năm sẽ như thế nào?
Giá thép trong thời gian qua giảm đi khá nhiều. Còn hai tháng nữa là hết năm, cho nên xu hướng tăng giá về cuối năm rất khó xảy ra và giá thép cũng khó giảm mạnh. Giá thép sẽ quanh quẩn ở mức 10 triệu đồng/tấn thép xây dựng là mức giá hợp lý trong thời kỳ này.
Dù có sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài nhưng hiện nay 80% thị phần thép trong nước vẫn thuộc về doanh nghiệp nội sản xuất. Cho nên, nếu thép trong nước đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng vẫn chấp nhận dù giá có cao hơn.
Nhiều dự án ngoài quy hoạch
Thời gian qua có rất nhiều dự án đầu tư vào ngành thép. Theo ông, với từng ấy dự án đầu tư vào ngành thép liệu có quá nhiều hay không?
Theo yêu cầu của Chính phủ, vừa qua Bộ Công thương đã có điều tra tính hiệu quả của một số dự án đầu tư vào thép. Qua đó đã lộ rõ việc đầu tư vào ngành thép khá tràn lan và vượt ngoài quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Báo cáo của Bộ Công thương gửi cho Chính phủ cho thấy có 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch và 24 dự án được địa phương cấp sai thẩm quyền. Tới đây, dự án nào được cấp giấy phép đã lâu mà không triển khai sẽ bị đình chỉ. Còn dự án nào chậm tiến độ cũng sẽ có biện pháp xử lý.
Khả năng có bao nhiêu dự án thép sẽ bị ngưng?
Dùng biện pháp hành chính để ngưng các dự án thép e hơi khó bởi dự án đã được cấp phép và doanh nghiệp ít nhiều cũng đã bỏ vốn vào đầu tư. Tuy nhiên, vừa qua có một số dự án thép tự đóng cửa hay tự ngưng bởi nhà đầu tư không tính toán đầy đủ về sự phát triển bền vững. Thí dụ, có doanh nghiệp đầu tư ở địa phương này chỉ vì có quặng nhưng số lượng bao nhiêu quặng, thời gian khai thác bao lâu lại không tính được.
Để xảy ra dự án thép phát triển tràn lan, ngoài việc thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng còn xuất phát từ bệnh thành tích của một số địa phương. Một số tỉnh, thành do nóng vội phát triển kinh tế đã thiếu đi sự kiểm soát với các dự án thép. Tới đây, những địa phương nào có dự án đầu tư thép tràn lan sẽ bị chấn chỉnh.