Mời tư nhân đầu tư sân bay
Ông Nguyễn Vũ Micheal, giám đốc phát triển kinh doanh tại VN của Tập đoàn phát triển sân bay ADC & HAS (chuyên phát triển và quản lý sân bay có trụ sở tại Mỹ), khẳng định đơn vị đang có ý định đầu tư trong lĩnh vực hàng không, sân bay tại VN.
“Chúng tôi có mặt ở VN từ năm 2010 vì thấy môi trường đầu tư cho lĩnh vực hàng không, sân bay tại VN rất tiềm năng: lượng người VN đi lại bằng đường hàng không ngày càng nhiều, tăng trưởng thị trường hàng không luôn hai con số” - ông Nguyễn Vũ Micheal nói. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Vũ Micheal, các hãng hàng không quốc tế đang tăng cường mở đường bay đến VN, lượng du khách quốc tế đến VN cũng ngày càng tăng... Vì vậy, ADC & HAS muốn mang vốn, kỹ thuật, công nghệ quản lý dân dụng vào cho các sân bay VN và mong có cơ hội làm việc chung với các sân bay VN. Ông Jeff Scheferman, chủ tịch Tập đoàn ADC & HAS, đã đến VN khảo sát tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam) và có những cuộc làm việc với đại diện Bộ Giao thông vận tải để tính toán đầu tư trong thời gian tới.
Việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hoạt động sân bay ở châu Á cũng chỉ mới rục rịch chứ chưa phổ biến. Ông Nguyễn Vũ Micheal cho biết trong khu vực mới có sân bay quốc tế Siem Reap có sự tham gia của nguồn vốn tư nhân Pháp. Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia cũng đang có vốn đầu tư tư nhân tham gia điều hành sân bay.
Tại Hàn Quốc, đầu năm 2012 Tập đoàn ADC & HAS cùng hai đối tác Hàn Quốc mua lại quyền sở hữu sân bay quốc tế Cheongju, cách Seoul 160km về phía nam, với giá 25,5 tỉ won (tương đương 22,6 triệu USD) trong vòng 30 năm. Điều này chưa có tiền lệ ở Hàn Quốc, hơn nữa đây lại là sân bay lưỡng dụng (quân sự và dân sự cùng sử dụng) nên việc lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho tư nhân sở hữu quyền khai thác sân bay trong vòng 30 năm có thể sẽ tạo một giải pháp cho hàng loạt sân bay khác ở quốc gia này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Micheal cho biết đang muốn có cơ hội hợp tác liên doanh với Tổng công ty Cảng hàng không VN với mục tiêu làm sao để có càng nhiều hãng hàng không cả quốc tế và quốc nội bay đến.
Cũng theo ông Nguyễn Vũ Micheal, có rất nhiều mô hình hợp tác trong lĩnh vực hàng không, vấn đề là tùy hai bên có thể thảo luận và quyết định. Thật ra, mô hình hợp tác giữa nhà nước - tư nhân trong đầu tư và khai thác sân bay đã thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. “Tôi hiểu rằng sân bay luôn luôn là tài sản quốc gia, chúng tôi chỉ mang tiền vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý dân dụng, nói tóm lại chúng tôi chỉ khai thác thương mại. Vì vậy, tôi nghĩ mô hình cùng đầu tư/khai thác với hình thức chính phủ nắm đa số quyền sở hữu trong liên doanh, đồng thời khai thác kiểm soát không lưu, xuất - nhập cảnh, hải quan và an ninh sân bay là phù hợp” - ông Nguyễn Vũ Micheal nói.
Ông Lại Xuân Thanh (phó cục trưởng Cục Hàng không VN):
Không thể chờ vào nguồn vốn nhà nước
Đầu tư vào hệ thống cảng hàng không - sân bay tại VN nếu chỉ chờ nguồn vốn nhà nước thì rất khó khăn do cần nguồn vốn rất lớn. Vì quy hoạch trong giai đoạn 2012-2020 VN sẽ đầu tư sửa chữa và nâng cấp mới 26 cảng hàng không với số vốn khoảng 221.000 tỉ đồng. Việc có các nhà đầu tư với tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm điều hành, vận hành, công nghệ tiên tiến... cùng tham gia đầu tư, chia sẻ áp lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm điều hành là điều rất cần thiết.
Quản lý điều hành các cảng hàng không, sân bay ở VN giờ đã rất cần những phương thức điều hành, quản lý, giám sát tiên tiến... đặc biệt với tốc độ phát triển như hiện nay, các cảng hàng không quốc tế, quốc nội sẽ có quy mô lớn hơn các cảng hàng không sân bay hiện nay nhiều lần. Chẳng hạn sân bay quốc tế Long Thành sau này sẽ trở thành một trạm trung chuyển (hub) cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế, cạnh tranh với các hub khác trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Singapore. Quy mô đón hành khách của Long Thành sẽ lớn hơn lượng khách đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hay Nội Bài gấp nhiều lần, vì vậy không thể áp dụng phương thức vận hành, điều hành một cảng hàng không với công nghệ cũ mà lâu nay ta vẫn đang áp dụng.