Mỹ nâng lãi suất: Việt Nam ít bị ảnh hưởng

Sau nhiều đồn đoán, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã chính thức tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%, đạt mức 0,75-1% trong tuần vừa qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 của FED trong vòng 3 tháng trở lại đây.
 
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), thực ra, quyết định FED nâng lãi suất đã được dự báo từ trước và những thông điệp sau phiên họp cũng không gây bất ngờ cho thị trường.
 
Cụ thể, FED tiếp tục giữ dự đoán tăng trưởng GDP 2% trong vòng 3 năm tới, tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức 4,5% và lạm phát sẽ là 2% vào năm 2018. Dự báo trung bình của các thành viên Ủy ban thị trường mở (FOMC) vẫn cho thấy, trong năm 2017 sẽ có 3 lần nâng lãi suất (bao gồm lần nâng lãi suất này) và cũng 3 lần cho năm 2018. Điểm thay đổi nhỏ so với tháng 12/2016 là các dự báo đã đạt mức đồng nhất cao hơn vào mức 1,5% vào cuối 2017 và 2,25% vào cuối 2018.
 
Sau động thái trên, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã ngay lập tức nâng lãi suất trên thị trường mở thêm 0,2%. PBOC cho rằng, quyết định của FED là một nguyên nhân của việc nâng lãi suất nhằm giữ đồng nhân dân tệ (CNY) không bị mất giá. Song theo ông Linh, đây là một nguyên nhân nhưng không phải chính yếu. PBOC có những lý do khác quan trọng hơn để thắt chặt tiền tệ, đó là lạm phát cao, tăng trưởng tín dụng nhanh và thị trường bất động sản tăng nóng. "Ngay cả khi FED giữ nguyên lãi suất, PBOC vẫn sẽ phải nâng lãi suất", chuyên gia của SSI khẳng định.
 
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng nhận định, việc FED và PBOC nâng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các nước châu Á khác ngoại trừ Singapore và Hong Kong do 2 nước này áp dụng cơ chế tỷ giá khác biệt. Có nhiều lý do để ngân hàng trung ương các nước châu Á chưa hành động, bao gồm cơ chế tỷ giá thả nổi, thặng dư cân thanh toán vãng lai, lạm phát thấp và một bầu không khí chung vẫn là kích thích kinh tế thông qua giữ lãi suất thấp.
 
"Việt Nam đặc biệt hơn là còn sử dụng cơ chế kiểm soát dòng ngoại tệ nên rủi ro bị rút vốn làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ thấp hơn so với các nước châu Á khác", theo ông Linh. Thị trường ngoại hối kể từ khi FED nâng lãi suất tháng 12/2016 có chiều hướng ổn định trở lại với tỷ giá tự do giảm 1,9%. Ngân hàng Nhà nước ngược lại, đã chủ động điều chỉnh tỷ tham chiếu thêm 0,6%, giảm bớt áp lực tỷ giá khi FED nâng lãi suất trong tuần này.
 
Như vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, việc FED nâng lãi suất sẽ ít ảnh hưởng đến lãi suất VND trong thời điểm này. Lãi suất VND phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại của Việt Nam mà một yếu tố quan trọng là thanh khoản hệ thống ngân hàng.
 
Tín dụng trong tháng đầu năm đã tăng nhanh hơn huy động, cụ thể tăng trưởng tín dụng tháng 1/2017 là 1,75%, cao nhất 5 năm còn huy động, giảm 1,6%, thấp nhất 5 năm. Nếu tín dụng và huy động tiếp tục lệch pha kéo dài, hệ quả tất yếu là thanh khoản giảm và lãi suất sẽ tăng.
 
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát và nhập siêu cũng đang tăng. CPI tháng 2 tăng 0,69% kể từ đầu năm (cao hơn cùng kỳ) còn nhập siêu của 2 tháng là 800 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 675 triệu USD). Do đó, theo khuyến nghị từ SSI Research, chính sách tiền tệ nên tiếp tục giữ theo hướng cân bằng tăng trưởng tín dụng với huy động dựa trên nền tảng cán cân thanh toán tổng thể dương nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá.
 
Trong khi đó, với sự kiện FED nâng lãi suất lần 2 như vừa qua, một số chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại, điều này sẽ tạo nên nguy cơ "chảy máu" ngoại tệ từ Việt Nam. Cụ thể, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, chính sách tăng lãi suất của FED sẽ tác động tới Việt Nam theo 2 hướng chính: Thứ nhất là sẽ có sự chuyển dòng tiền đầu tư từ Việt Nam về Mỹ; thứ hai là làm tăng áp lực tỷ giá lên tiền đồng đối với đồng USD.
 
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cũng cho rằng, về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên, nếu lãi suất tiền đồng Việt Nam không tăng thì trong vài tháng tới sẽ thấy tác động lên ngoại hối. Theo ông Hải, rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao, nhưng tác động âm thầm và dài hơi đến xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát.