Trước tính hình đó, nhiều chuyên gia cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam đã kém hấp dẫn, hoặc Việt Nam đang thiếu sự liên kết trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.
Ông đánh giá như thế nào về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm?
Theo kết quả của 9 tháng đầu năm thì đúng là dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại, vì thế từ nay đến cuối năm có khả năng chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu thu hút 20 tỷ USD vốn FDI như đã đặt ra ban đầu. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có cái nhìn thiếu lạc quan về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2011. Bởi mặc dù vốn đăng ký chỉ đạt 72% so với cùng kỳ, nhưng vốn giải ngân lại tăng 2% so với cùng kỳ, điều này chứng tỏ rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam đang đi đúng hướng và ngày càng chất lượng hơn. Các dự án FDI vào Việt Nam trong 9 tháng qua cũng là những dự án có đủ tiềm lực và khả năng thực hiện.
Một tín hiệu tích cực nữa đối với dòng vốn FDI đó là, các dự án trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ đã giảm đi đáng kể, thay vào đó là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo luôn đứng ở mức cao, chiếm đến 50% tổng dự án đăng ký. Đây mới chính là con số bền vững, và đáng được quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam đã bắt đầu kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, do cơ sở hạ tầng, và chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ “tầm” để đáp ứng, ông nghĩ sao về nhận định này?
Về quan điểm này Cục Đầu tư nước ngoài và các bộ ngành liên quan cũng đang xem xét thì thấy rằng điều đó là chưa đúng. Vì trên thực tế thời gian vừa qua vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam trong một số lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất pin năng lượng mặt trời và các nhà đầu tư Nhật Bản cũng rất quan tâm đến những lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng,… Điều đó cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thời gian qua tình hình thu hút đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa có sự cải thiện là do các nhà đầu tư họ cần thêm một thời gian, quá trình để chuẩn bị. Và chúng tôi vẫn tin tưởng rằng trong năm tới tình hình thu hút FDI vào Việt Nam sẽ được cải thiện.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1617/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Cục Đầu tư nước ngoài sẽ làm gì để thực hiện Chỉ thị này, thưa ông?
Hiện chúng tôi đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án FDI liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Qua đó, nếu dự án nào không đủ khả năng, hoặc không hiệu quả sẽ bị rút giấy phép đầu tư hoặc đề xuất các cơ quan liên quan can thiệp. Một số dự án chưa được triển khai do nhà đầu tư có những lý do chính đáng sẽ được các cơ quan chức năng xem xét và tìm cách tháo gỡ. Ngoài ra, để đảm bảo an ninh năng lượng, thời gian tới chúng tôi cũng lên kế hoạch rà soát lại các dự án FDI liên quan đến các lĩnh vực sắt thép, xi măng, và có biện pháp chấn chỉnh, vì đây là những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng.
Xin ông cho biết kế hoạch thu hút và giải ngân nguồn vốn FDI năm 2012?
Căn cứ vào tình hình thu hút vốn FDI năm 2011, năm 2012 chúng tôi đặt mục tiêu thu hút khoảng 17 tỷ USD vốn FDI, và số vốn giải ngân là khoảng từ 9-11 tỷ USD./.
Xin cảm ơn ông!