Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi
Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm. Đây là một xu hướng chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2010, đồng thời phù hợp với chính sách huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng, hiệu quả sử dụng để bảo đảm nợ công bền vững.
Ngoài ra, tình hình này còn xuất phát từ các nguyên nhân cụ thể như thói quen với hình thức cấp phát từ ngân sách nhà nước; việc chuẩn bị danh mục, văn kiện chương trình dự án chậm trễ, chất lượng còn thấp; một số bộ, ngành, địa phương chưa áp dụng mô hình viện trợ mới; quy trình, thủ tục nội bộ còn phức tạp và mất nhiều thời gian.
Về tình hình thực hiện và giải ngân, tổng mức giải ngân 6 tháng đầu năm 2016 xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Các nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ chủ yếu vẫn là vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do điều chỉnh thay đổi, vốn đối ứng bố trí không đầy đủ kịp thời và công tác giải phóng mặt bằng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo của các bộ, ngành đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tăng cường năng lực các ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn, có nhiều thành viên mới và trong bối cảnh mới có Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong tình hình mới.
Qua báo cáo và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, khó khăn nổi lên trong 6 tháng đầu năm và cũng là khó khăn chung trong 5 năm qua khi thực hiện các dự án là khâu chuẩn bị dự án, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đối ứng, sự chậm trễ trong giải ngân, trình độ và năng lực của các ban quản lý dự án…
Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quán triệt, thực hiện tốt các quy định mới trong Nghị định số 16 của Chính phủ.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần khẩn trương xác định rõ chương trình, dự án, lĩnh vực nào được ưu tiên, phải được cấp phép, phải vay lại… Phải chú ý không tăng thêm các bước làm chậm quá trình, thủ tục chuẩn bị dự án; giảm bớt các thủ tục hành chính song vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Các bộ, ngành chức năng khác cũng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến huy động, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Về vấn đề huy động vốn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, hiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình; nhiều nguồn tài trợ, vốn hỗ trợ, ưu đãi bị cắt giảm. Các bộ, ngành cần quan tâm xây dựng kế hoạch vận động thích hợp cho quá trình chuyển từ vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang vốn vay có mức độ ưu đãi kém hơn.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ KH&ĐT, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để tạo ra lộ trình phù hợp, chuyển tiếp thành công vốn vay sang các khoản vay có mức độ ưu đãi kém hơn mà không để ảnh hưởng đến thành quả đạt được trong huy động và sử dụng nguồn vốn thời gian qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay, trong đó có tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân, bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án; bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, có sự phối chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong công tác này; nâng cao năng lực cũng như cần tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các ban quản lý các dự án ODA và vay ưu đãi.