Ngân hàng “bùng nổ” tiết kiệm Online
Với các phương thức gửi tiền tiết kiệm truyền thống, khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng. Cá biệt một số nhà băng mở dịch vụ lưu động, đến phục vụ tận nơi theo yêu cầu. Những phương thức này có trở ngại thường nhật về không gian và thời gian, đặc biệt là đối với giới công chức hay những người bận rộn.
Tiết kiệm Online ra đời là một giải pháp: chỉ cần nhấp chuột là có thể giao dịch vào bất cứ thời điểm nào trong ngày chỉ mất khoảng 5 phút. Tất nhiên, đây là cách thức gửi tiền qua môi trường Internet nên yêu cầu đầu tiên này đã hạn chế về tính đại chúng nhưng đó lại là thế mạnh và tiện ích của tiết kiệm Online.
Ví dụ một số sản phẩm tiết kiệm Online trên thị trường hiện nay người gửi tiền chỉ cần có một tài khoản cá nhân với số dư tối thiểu từ 1 triệu đồng và có sử dụng dịch vụ Internet Banking - F@st i-bank cùng một máy tính kết nối Internet là có thể dễ dàng chuyển những khoản tiền nhàn rỗi, tích lũy từ tài khoản vãng lai sang tài khoản tiết kiệm.
Người gửi thực hiện thao tác đơn giản, có tính bảo mật cao, được chứng thực bằng các sao kê điện tử, tích hợp với các dịch vụ hỗ trợ như Internet Banking, SMS Banking để kiểm soát tài sản của mình, cũng như tất toán tự động khi đáo hạn.
Theo ông Rahn Wood, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm Huy động dân cư Techcombank, đó là những tiện ích vượt trội của tiết kiệm Online so với gửi tiết kiệm truyền thống, giúp người gửi tiền chủ động về thời gian và không gian để gia tăng lợi nhuận của đồng vốn, cũng như góp phần hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch.
Còn theo phân tích của bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank), sản phẩm tiết kiệm Online tại một số ngân hàng ở Việt Nam hiện nay được thiết kế khá mở, như áp điều kiện số dư thấp để có thể tạo khả năng sinh lợi cho những khoản tiền nhỏ mà người gửi “ngại” trực tiếp đến ngân hàng (một số ngân hàng nước ngoài yêu cầu tối thiểu từ 30 - 40 triệu đồng); hoặc với các dải kỳ hạn đa dạng cùng môi trường giao dịch nhanh, phù hợp với tính linh hoạt của đồng vốn các nhà đầu tư vàng, chứng khoán trước các kỳ thị trường biến động…
Hơn thế, so với các sản phẩm huy động thông thường, tiết kiệm Online có lãi suất cao hơn, do ngân hàng giảm thiểu được chi phí so với các phương thức giao dịch truyền thống.
Sẽ là sản phẩm chủ lực của các ngân hàng
Số liệu mới nhất từ Techcombank cho thấy, chỉ sau 2 tuần triển khai, tiết kiệm Online đã thu hút được 1.000 tài khoản, trong đó tài khoản có số dư từ 50 triệu chiếm 1/3.
Đây là con số mà không phải ngân hàng nào cũng có thể đạt được khi đưa ra một sản phẩm huy động mới. Quan trọng hơn, tiết kiệm Online ra đời không những gia tăng tính linh hoạt trong giao dịch cho khách hàng, mà còn bổ sung một tính năng cần thiết cho dịch vụ Internet Banking.
Ông Rahn Wood cho rằng tiết kiệm Online còn khá mới ở Việt Nam nhưng sẽ nhanh chóng được biết đến và đón nhận bởi những lợi ích và tiện ích vượt trội của nó.
“Trong tương lai gần đây sẽ là một sản phẩm huy động chủ lực của các ngân hàng vì với tỷ lệ sử dụng Internet ở Việt Nam ngày một tăng cao, đối tượng ngân hàng tiếp cận cũng thường có thu nhập và lượng tiền gửi cao hơn” - ông Rahn Wood cho biết.
Theo ông Rahn Wood, các tổng kết trên toàn cầu cho thấy các khách hàng gửi tiết kiệm thông qua Internet Banking thường duy trì số dư tiền gửi cao hơn so với số dư tiền gửi tiết kiệm truyền thống. Chính vì thế, ông Rahn Wood bật mí, Techcombank đặt rõ mục tiêu phát triển tiết kiệm Online trong định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.
Xem ra đây cũng là định hướng mà hầu hết các ngân hàng đặt ra, cũng như theo xu hướng gia tăng tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ trong cơ cấu chung. Có thể thấy, một số ngân hàng đang ráo riết lên kế hoạch xây dựng sản phẩm huy động này để sớm nắm các lợi thế cạnh tranh, gia tăng quyền lợi của khách hàng.
Còn bà Nguyệt Oanh phân tích, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ là xu thế tất yếu của Việt Nam vì trên thế giới, dịch vụ ngân hàng điện tử rất phổ biến. Chưa cần so sánh với các nước châu Âu, châu Mỹ, mà ngay ở các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Philipines… cũng phát triển dịch vụ này trước Việt Nam hàng chục năm.
Mới đi vào hoạt động hơn một năm nhưng mới đây Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) tuyên bố sẽ sớm đẩy nhanh các dịch vụ ngân hàng điện tử; Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… cũng vừa quyết định đầu tư cho giải pháp phần mềm ngân hàng lõi để phát triển các sản phẩm mới trong đó đều có nói đến tiết kiệm Online.